Hệ thống máy của Quốc hội bị treo vì chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Quốc hội bị treo máy vì quá tải

Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ “nóng” ngay từ đầu giờ sáng nay, 6/6, khi hàng loạt các đại biểu Quốc hội đăng ký đặt câu hỏi chất vấn và phản biện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ “nóng” ngay từ đầu giờ sáng nay, 6/6, khi hàng loạt các đại biểu Quốc hội đăng ký đặt câu hỏi chất vấn và phản biện.

Chỉ sau hơn một tiếng, hệ thống máy của Quốc hội đã bị "treo," không nhận được tín hiệu. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, do số lượng đại biểu đăng ký quá cao, lên đến trên 80 đại biểu. 

Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là chất lượng giáo dục đại học, hệ thống giáo dục mầm non, đạo đức nhà giáo, đổi mới kiểm tra đánh giá và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đánh giá về phiên điều trần của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn vào các vấn đề, nhận trách nhiệm các nội dung còn tồn tại thuộc trách nhiệm mình quản lý.

[Kiên quyết đưa khỏi ngành những giáo viên mầm non không đủ năng lực]

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp, định hướng mang tính chiến lược, đổi mới về tất cả những nội dung liên quan, từ giáo dục mầm non cho đến phổ thông và giáo đại học.

“Còn những sự vụ mang tính cụ thể, do thời lượng có hạn, nhiều vấn đề chỉ nói trong ba phút sẽ không hết, Bộ trưởng cũng chưa có thời gian để trả lời. Giáo dục đào tạo là ngành đặc thù, liên quan đến phát triển về con người, phát triển nhân lực và liên quan đến hầu hết các ngành trong xã hội. Do đó đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay, góp sức để cùng phát triển,” ông Tuấn nói.

Giáo dục mầm non là một trong những chủ đề nóng được nhiều đại biểu quốc hội đặt câu hỏi. (Ảnh: TTXVN)

Là một giảng viên đại học, đại biểu Phạm Văn Hiệp, Đoàn Thừa Thiên Huế, cho biết ông quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Về vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu rõ giáo dục đại học phải đi bằng hai chân: đào tạo và nghiên cứu khoa học.

“Về câu chuyện đạo đức nhà giáo được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn, tôi nghĩ đó chỉ là những câu chuyện cá biệt. Một vài cá nhân tiêu cực không đại điện cho hơn 1,5 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý. Cá nhân tôi đánh giá, phiên chất vấn sáng nay khá thành công với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh, thể hiện quyết tâm cao và giải đáp được khá nhiều băn khoăn, thắc mắc của đại biểu và cử tri,” ông Hiệp chia sẻ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, tỏ ra đồng cảm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ông nhận được quá nhiều câu hỏi chất vấn, với số lượng cao nhất trong 4 bộ trưởng tham gia chất vấn lần này.

“Tuy nhiên, Bộ trưởng rất bình tĩnh trả lời các câu hỏi và không bỏ sót câu hỏi chất vấn nào. Điều đáng ghi nhận là Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và nhận trách nhiệm của ngành. Cá nhân tôi đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đạt yêu cầu,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Sau hơn nửa ngày đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời được 32 đại biểu chất vấn, 18 ý kiến tranh luận. Hết thời gian dành cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn 9 câu hỏi đã được đại biểu đặt ra và 59 câu hỏi chờ chất vấn, tranh luận sẽ được gửi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục