Châu Á sẽ trở nên nguy hiểm hơn sau đại dịch COVID-19?

Cú sốc virus SARS-CoV-2 khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại, có thể là một loại chấn thương thúc đẩy sự tách rời cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 13/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang The Interpreter của Viện Chính sách Lowy đăng bài viết của tác giả Nick Bisley, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế, trường Đại học La Trobe (Australia), cho rằng các lợi ích kinh tế chung - động lực tạo nên sự ổn định ở châu Á - có thể biến mất sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) chấm dứt. Đây là điều sẽ khiến khu vực này trở nên nguy hiểm hơn.

Nội dung bài viết như sau:

Trước khi toàn cầu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, châu Á đã chứng kiến cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các cường quốc.

Một bên là Trung Quốc đầy tham vọng muốn chiếm vị trí cường quốc quan trọng nhất trong khu vực, còn bên kia là nước Mỹ, chấp nhận thách thức và tuyên bố cuộc cạnh tranh này sẽ là trung tâm của chính sách chiến lược của mình.

Giới học thuật và chính trị lâu nay đều cho rằng thảm họa khẩn cấp sẽ thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.

Lấy ví dụ, vào năm 2003, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) đã giúp tạo nên sự hợp tác lớn hơn giữa các khu vực trong 6 tuần, nhiều hơn những gì đã đạt được trong vài thập kỷ trước.

[Ông Trump tuyên bố có quyền quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế]

Nhưng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo virus SARS-CoV-2 gây thảm họa cho toàn thế giới, và Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyên truyền cung cấp khẩu trang và máy thở cho khắp thế giới thì chúng ta có thể khẳng định rằng hai cường quốc này không thể hợp tác được với nhau để mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho khu vực và thế giới trước thảm họa sức khỏe và kinh tế lớn nhất trong 7 thập kỷ này.

Đáng buồn thay, ngay cả khi cuộc khủng hoảng COVID-19 còn lâu mới kết thúc, chúng ta có thể loại trừ khả năng virus corona giúp châu Á tránh được cuộc cạnh tranh trong tương lai.

Cạnh tranh là điều chúng ta sẽ phải đối mặt. Nhưng cuộc cạnh tranh này sẽ thay đổi như thế nào bởi đại dịch? Điều này phụ thuộc nhiều vào cách các quốc gia ứng phó với những ảnh hưởng địa-kinh tế của virus. Lâu nay chúng ta đều thấy rằng toàn cầu hóa khiến các xã hội dễ bị tổn thương hơn.

Nhưng cho đến nay, sự đánh đổi giữa an ninh và thịnh vượng mà chính sách mở cửa và chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại là một rủi ro mà hầu hết các quốc gia đều chấp nhận.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi đại dịch COVID-19 kết thúc, liệu các quốc gia có quay trở lại thực hiện các chính sách như trước, hay sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro ở một mức độ nhất định và chấp nhận trả giá để ít bị tổn thương hơn?

Cách thức các chính phủ chọn để tái khởi động nền kinh tế và cách các quốc gia tương tác với nhau sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình khu vực bởi sự phụ thuộc kinh tế có vai trò điều hòa cạnh tranh địa-chính trị.

Trước khi đại dịch bùng phát, áp lực đã gia tăng ở Mỹ và các nơi khác trong việc phân tách nền kinh tế Mỹ khỏi các liên kết với Trung Quốc.

Trong khi cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy một số thay đổi trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như tăng tốc quá trình chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam - và lệnh cấm tập đoàn công nghệ Huawei đã vạch ra một đường ranh giới trong lĩnh vực viễn thông, do tính phức tạp và chi phí cao của việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiến trình này gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Cú sốc virus corona chủng mới khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại, có thể là một loại chấn thương thúc đẩy sự tách rời cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Và nếu, để đối phó với suy thoái kinh tế, các quốc gia quay trở lại các cách tiếp cận quản lý kinh tế trước đây, vốn được sử dụng trước khi bị thay thế bởi cách thức quản lý kinh tế tân tự do trong vài thập kỷ gần đây, sự tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu được chính trị hóa cao là điều có thể xảy ra.

Trong nhiều thập kỷ, quan điểm cho rằng các quốc gia nên duy trì khả năng sản xuất các mặt hàng quan trọng, như ô tô, dược phẩm và thiết bị y tế, không được các nhà hoạch định chính sách lưu tâm.

Đại dịch COVID-19 và nỗ lực của các chính phủ nhằm quản lý suy thoái kinh tế đã mang lại ý nghĩa mới cho quan điểm trên, và tạo ra động lực chính trị để hiện thực hóa quá trình tách rời nói trên. Và điều quan trọng cần nhớ là không chỉ Mỹ quan tâm đến việc tách rời.

Một số giới tinh hoa ở Trung Quốc đã cảm thấy rằng đất nước họ đang quá phụ thuộc vào Mỹ, cả về thị trường xuất khẩu và bí quyết công nghiệp, và Trung Quốc cần phải tự chủ và kiên cường hơn.

Trong trường hợp đại dịch dẫn đến một khu vực mà Mỹ và Trung Quốc chiếm giữ các lĩnh vực kinh tế và công nghệ khác nhau, logic địa-chính trị của cạnh tranh, vốn đã tăng cao, có thể sẽ trở thành quan điểm thống trị.

Thiếu các lợi ích kinh tế chung, động lực tạo nên sự ổn định, châu Á sẽ bước vào thời kỳ cạnh tranh quân sự không kiềm chế.

Môi trường này cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tái lập các quy tắc và thể chế trật tự khu vực khi các nỗ lực tách rời kinh tế sẽ xóa đi sự thiên vị trong các cấu trúc hiện nay, vốn đang tạo cho Mỹ và các đồng minh một lợi thế rõ ràng.

Con đường thứ hai, không liên quan đến việc tách rời, là nỗ lực xây dựng lại cơ sở hạ tầng kinh tế trong thời gian qua.

Thay vì tìm cách chuyển đổi nhanh chóng chuỗi sản xuất của châu Á, kịch bản này sẽ là khu vực nỗ lực tăng trưởng trở lại bằng cách kết nối lại các hệ thống hiện có.

Trong quá trình này, các cường quốc sẽ tìm cách nâng cao vị thế chính trị của mình trên cơ sở cân nhắc các tác động của một đại dịch mới.

Theo kịch bản này, để kiềm chế lẫn nhau, các cường quốc sẽ vẫn duy trì một số mối quan hệ kinh tế, nhưng ở mức độ yếu hơn trước.

Tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa rõ COVID-19 sẽ gây thiệt hại nặng nề như thế nào ở Ấn Độ và Indonesia.

Nhiều khả năng là đại dịch sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của hai nước này trong nhiều năm tới và điều này sẽ chỉ làm gia tăng ảnh hưởng của mối quan hệ Mỹ-Trung trong toàn khu vực.

Sau đại dịch, châu Á sẽ là một khu vực nguy hiểm hơn. Địa-chính trị sẽ lên ngôi, mất lòng tin và cạnh tranh sẽ tăng cao.

Tại thời điểm này, khủng hoảng ở Trung Quốc có vẻ như không nghiêm trọng như ở Mỹ - cả về kinh tế và chính trị - nhưng hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu.

Khi đại dịch kết thúc, Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh dài hơi, với một Bắc Kinh ngày càng táo tợn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục