Châu Âu kêu gọi Ukraine tôn trọng quyền nói tiếng Nga

Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi hính phủ tương lai ở Ukraine cần tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số ở nước này, trong đó có vấn đề ngôn ngữ.
Nghị viện châu Âu thảo luận về tình hình Ukraine ngày 16/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội và chính phủ tương lai ở Ukraine cần tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số ở nước này, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Đây là nội dung dự thảo nghị quyết được đưa ra xem xét tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 27/2.

Dự thảo kêu gọi các bên tại Ukraine cũng như nước thứ ba tôn trọng và duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Theo đó, tất cả các lực lượng chính trị ở Ukraine cũng như các cơ chế quốc gia tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây cần phải phối hợp vì sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia Ukraine, trong đó cần đặc biệt lưu ý tới thành phần ngôn ngữ và văn hóa đất nước cũng như lịch sử Ukraine.

Các nghị sĩ châu Âu cũng kêu gọi Ukraine tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số, quyền sử dụng tiếng Nga cũng như các ngôn ngữ thiểu số khác tại nước này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/2 cho biết Moskva sẽ có phản ứng gay gắt và không khoan nhượng đối với các vụ xâm phạm quyền của cộng đồng người Nga từ phía các quốc gia nước ngoài.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton tuyên bố sẽ tổ chức thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 6/3 tới tại thủ đô Rome của Italy, trong đó tâm điểm của cuộc gặp là cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.

Liên quan tới vấn đề viện trợ tài chính cho Ukraine, ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ đang cân nhắc cung cấp khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine ngăn chặn sụp đổ kinh tế, tuy nhiên nước này cần phải xúc tiến chương trình cải cách kinh tế, chống tham nhũng, tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại tỏ ra không muốn hứng chịu gánh nặng tài chính của Ukraine. Hiện nợ nước ngoài của Ukraine lên tới 73 tỷ USD và trong năm 2014, nước này phải thanh toán 12 tỷ USD.

Các quan chức Ukraine tuyên bố cần 35 tỷ USD, từ nay đến năm 2015, để tránh không bị phá sản. Tuy nhiên, Pháp sẽ không cung cấp khoản viện trợ nào cho Ukraine, trong khi các nước lớn của EU, như Đức, cũng thận trọng, chờ đợi đến khi có một chính phủ chuyển tiếp tại Kiev, mới đưa ra quyết định có viện trợ hay không./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục