Châu Âu phản ứng như thế nào trước 'vũ khí khí đốt' Nga?

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng khí đốt làm “vũ khí địa chính trị."
Các ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được xếp tại cảng Mukran, gần Sassnitz, Đông Bắc nước Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết của tác giả Paul Gregory đăng trên trang mạng The Hill, hồi tháng 7/2021, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng khí đốt làm “vũ khí địa chính trị."

Thỏa thuận này là một sự nhượng bộ để đổi lại việc ông Biden từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, qua đó cho phép hoàn thành dự án này.

Bà Merkel cũng đã tuyên bố sẽ duy trì việc cung cấp khí đốt qua Ukraine - một cam kết đáng nghi ngờ từ một chính trị gia chuẩn bị rời nhiệm sở.

Nga đã đe dọa EU như thế nào?

Bất chấp những đảm bảo từ phía ông Biden và bà Merkel, Điện Kremlin đã có hành động tạo ra lo ngại rằng Nga sẽ biến châu Âu trở thành “con tin” cho Gazprom - tập đoàn lớn nhất nước này, thông qua việc đe doạ sẽ cung cấp ít khí đốt hơn cho châu Âu để buộc châu lục này phải cấp phép nhanh chóng cho dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Gazprom.

[Điện Kremlin: Nga có khả năng tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu]

Tuy nhiên, trong khi có vẻ như ông Putin đang sử dụng khí đốt như một vũ khí địa chính trị, các lệnh trừng phạt mà ông Biden và bà Merkel hứa hẹn đến nay vẫn chưa được áp dụng.

Đây cũng là một ví dụ khác về sự thiếu chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden và sự ủng hộ kiên định của bà Merkel đối với chính sách “kinh doanh như bình thường” với Nga.

Theo Chỉ thị về Khí đốt của Ủy ban châu Âu (đã được mở rộng để áp dụng đối với khí đốt của Nga), các nhà cung cấp khí đốt được yêu cầu phải tách sản xuất ra khỏi việc giao hàng, cho phép bên thứ ba tiếp cận đường ống và niêm yết giá minh bạch.

Nếu Gazprom bị ràng buộc bởi những quy tắc trên, công ty này phải bán lại chức năng vận chuyển khí đốt của mình hoặc chuyển giao cho các công ty khác.

Gazprom cũng phải dành một nửa công suất của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 cho các công ty đối thủ và phải niêm yết giá bán của mình một cách minh bạch.

Tuy nhiên, Gazprom không chấp nhận các quy tắc được nêu trong chỉ thị này. Gazprom không phải là một doanh nghiệp thương mại.

Thay vào đó, đây là một thực thể gắn chặt với chính quyền Nga, chịu trách nhiệm về chính sách đối nội và đối ngoại liên quan đến năng lượng của Điện Kremlin.

Nhiệm vụ của Gazprom là đạt được sự thống trị về năng lượng đối với châu Âu thông qua việc kiểm soát lưu lượng khí đốt từ phía Đông và phía Nam của châu Âu.

Với việc hoàn thành đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 dưới biển, Nga đã tiến một bước dài trong việc đạt được mục tiêu thống trị thị trường khí đốt châu Âu.

Dự án này có thể thay thế hoàn toàn các mạng lưới phân phối truyền thống thông qua Ukraine, Belarus và Ba Lan.

Kết hợp với hệ thống Dòng chảy Phương Bắc 1 và Dòng chảy Phương Nam hiện có, Nga đã sẵn sàng kiểm soát gần một nửa nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh này vẫn chưa kết thúc. Theo phán quyết của các toà án Đức, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện thiếu chứng nhận hoạt động của các cơ quan quản lý Đức.

Trong các vòng xét duyệt sơ bộ, các cơ quan quản lý và tòa án của Đức đã từ chối yêu cầu của Dự án này về việc xin được miễn áp dụng chỉ thị về khí đốt.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý và tòa án của Đức phải chứng minh rằng các phán quyết của họ phù hợp với luật của Liên minh châu Âu. Điện Kremlin biết rằng Liên minh châu Âu có quan điểm phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, nên ông Putin đã lo ngại về điều này.

Điểm mấu chốt ở đây là nếu Chỉ thị về khí đốt phải được áp dụng đối với dự án này thì Gazprom sẽ phải hành xử một phần như một doanh nghiệp cạnh tranh, mặc dù công ty này có thị phần đáng kể tại châu Âu.

Nếu phán quyết bất lợi được đưa ra, Điện Kremlin sẽ tìm cách "lách" các quy định, thành lập các công ty giả để đáp ứng các yêu cầu tách biệt giữa sản xuất và vận chuyển và tham gia vào các thỏa thuận bí mật để vận động các quốc gia nhỏ hơn tách khỏi sự đồng thuận của châu Âu.

Các biện pháp đối phó này sẽ cần thời gian để thực hiện và Nga đang tìm cách củng cố vị thế thống trị của mình.

Nói cách khác, Gazprom rất cần được miễn trừ khỏi Chỉ thị Khí đốt, và do đó Gazprom sẵn sàng hành động để đạt được một phán quyết có lợi từ các cơ quan quản lý châu Âu.

Tương lai nào cho quan hệ song phương?

Hiện tại, việc xây dựng đường ống của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn tất và Gazprom đã giảm sản lượng và giao hàng để đẩy giá khí đốt giao ngay lên gấp 5 lần.

Gazprom đã hạn chế dòng khí đốt qua Ukraine xuống mức "nhỏ giọt" và ngừng cung cấp cho Hungary qua đường Ukraine. Đất nước Moldova nhỏ bé đang bị chèn ép buộc phải bỏ qua các quy định trong Chỉ thị về khí đốt.

Cả Tổng thống Putin và Gazprom đều tuyên bố rằng Nga sẽ cung cấp nhiều khí đốt hơn nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được phê chuẩn. Tuy nhiên, theo quy trình thông thường, phải đợi đến đầu hoặc giữa năm 2022 mới hoàn thành việc cấp chứng chỉ cho dự án này.

Ông Putin phủ nhận rằng một cuộc chiến khí đốt đang diễn ra. Ông khẳng định rằng Nga đã bàn giao khí đốt theo đúng các hợp đồng dài hạn của mình. Tuy nhiên do nguồn cung của Nga bị hạn chế, giá khí đốt giao ngay đang tăng vọt đúng thời điểm châu Âu đang bước vào những tháng lạnh giá. Đây là thật sự không phải là một tin tức tốt đẹp giữa bối cảnh châu Âu đang bước vào những tháng mùa Đông.

Quả thật, Nga đã tuyên chiến với các thể chế thị trường năng lượng của EU. Thông điệp của Nga là nếu EU muốn các tòa nhà của họ có hệ thống sưởi và giá điện hợp lý trong mùa Đông này, hãy miễn trừ cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 ra khỏi các quy tắc cạnh tranh của khối này.

Không có gì ngạc nhiên khi Nga thực hiện nhiều động thái chống lại EU và các thể chế của khối này. Phần còn lại của châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, cảnh báo rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 là cách thức để Nga loại bỏ việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Dự án này được xây dựng để loại bỏ Ukraine khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải năng lượng, từ đó trao cho Gazprom quyền ra quyết định chính sách năng lượng của châu Âu.

Hiện nay, chính phủ mới vẫn chưa được thành lập ở Đức, nhưng có vẻ như đảng Dân chủ Xã hội (SPD) sẽ là đối tác quan trọng trong bất kỳ liên minh cầm quyền nào. Trong những năm qua, với chính sách "hướng Đông," SPD kiên định ủng hộ "hoạt động kinh doanh như bình thường" với Nga.

Do đó, có thể chính phủ mới ở Đức sẽ tìm ra cách hợp tác với ông Putin để đảm bảo được cung cấp năng lượng. Nếu chính sách này được áp dụng thì nước Đức - với vai trò là quốc gia chủ yếu thúc đẩy sự thống nhất châu Âu - đang truyền đi thông điệp với các nước còn lại trong khối này rằng họ chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của họ trong vấn đề năng lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục