Châu Âu phản ứng thận trọng về thỏa thuận an ninh AUKUS

Bộ trưởng Quốc vụ của Đức Michael Roth cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ là "lời cảnh tỉnh" về tầm quan trọng của sự đoàn kết vốn thường xuyên bị chia rẽ của Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Các vấn đề EU của Đức Michael Roth. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước châu Âu ngày 21/9 phản ứng khá thận trọng sau khi Mỹ, Anh Australia công bố thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, trong đó có việc Canberra rút khỏi thỏa thuận cung cấp tàu ngầm của Pháp.

Một số nước cảnh báo không nên để bất đồng trong vấn đề này ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại. 

Bộ trưởng Quốc vụ phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ là "lời cảnh tỉnh" về tầm quan trọng của sự đoàn kết vốn thường xuyên bị chia rẽ của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết ông đã có thảo luận trực tiếp và thẳng thắn về AUKUS với Thủ tướng Australia Scott Morrison bên lề Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra ở New York (Mỹ). Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, ông Thierry Breton, cho rằng có cảm giác "điều gì đó bị phá vỡ" trong quan hệ của châu Âu với Washington, do đó, hiện là lúc "tạm dừng và cài đặt lại mối quan hệ giữa EU-Mỹ."

Sau khi Mỹ, Australia và Anh công bố thỏa thuận an ninh ba bên, có tên gọi là AUKUS, Pháp đã phản ứng khá gay gắt, cho rằng Mỹ, Anh và Australia đã giấu nước này thỏa thuận và thay thế hợp đồng của Pháp đóng tàu ngầm cho Canberra, trị giá hàng chục tỷ USD, với Mỹ. Do đó, Pháp đã hoan nghênh phát biểu của Đức và một số quan chức hàng đầu của EU. 

Phát biểu khi tới tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng ở Brussels, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune coi đây là "một vấn đề châu Âu", không phải của riêng Pháp. Theo ông, Paris không phản ứng thái quá, song trước một tình huống nghiêm trọng, cần phải đưa ra quan điểm "rất rõ ràng."

Tuy nhiên, nhiều quan chức châu Âu khác có phản ứng khá thận trọng. Ông Gasper Dovzan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Slovenia - chủ trì cuộc họp bộ trưởng tại Brussels, cho biết một số bộ trưởng đã bày tỏ "sự đoàn kết" với Pháp, song cũng quan tâm tới việc "thu thập thêm thông tin."

[Đức: Thủ tướng Merkel huy động sự ủng hộ cho ứng cử viên Laschet]

Phó Chủ tịch EU Maros Sefcovic cho rằng hội nghị thượng đỉnh EU kế tiếp, sau những diễn biến tại Afghanistan và thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, cần "tập trung nhiều hơn vào quyền tự chủ chiến lược."

Cũng theo ông Breton, Ủy ban châu Âu đang xem xét liệu "bão" ngoại giao này có ảnh hưởng đến việc tổ chức lễ ra mắt và cuộc họp của Hội đồng Công nghệ và Thương mại (TTC) EU-Mỹ tại Pittsburgh vào ngày 29/9 tới, thảo luận về cách thức hợp tác thương mại và quản lý các "gã khổng lồ" công nghệ, hay không. Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra quyết định về việc này trước ngày 29/9.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thụy Điển Hans Dahlgren tỏ ra khá dè dặt việc đưa ra các quan điểm quá cứng rắn. Ông bày tỏ sự cảm thông với Pháp, song cho rằng cần có thêm thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra đối với thỏa thuận tàu ngầm.

Dự kiến, trong ngày 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trao đổi quan điểm với người đồng cấp Pháp về cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ dù chưa có cuộc gặp trực tiếp nào được lên kế hoạch.

Phát biểu với báo giới, một quan chức cho biết, hai ngoại trưởng sẽ cùng tham dự một cuộc họp kín của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, diễn ra bên lề Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, ông Blinken cũng sẽ hội đàm với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell - vốn bày tỏ sự đoàn kết với Pháp.

Sau khi công bố AUKUS, Mỹ cũng đã bày tỏ hy vọng có thể "hạ nhiệt" căng thẳng với đồng minh Pháp. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong những ngày tới.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh mối quan hệ đồng minh ngày một lớn mạnh giữa Mỹ và Australia trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Scott Morrison kể từ khi công bố AUKUS.

Trong cuộc gặp bên lề Khóa họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Biden cho rằng hai nước đã cam kết xây dựng một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở." Tuy nhiên, Tổng thống Biden và Thủ tướng Morrison không đề cập tới phản ứng giận dữ hiện nay của Pháp. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau khi tham dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Nhóm Bộ tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, tại Nhà Trắng vào ngày 24/9 tới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục