Lãnh đạo Mỹ và Anh đang thảo luận về Hiệp định Thương mại song phương

Trả lời câu hỏi liên quan đến FTA mà London đang thúc đẩy mạnh mẽ, Tổng thống Biden nhấn mạnh thỏa thuận này "đang tiếp tục được thảo luận."
Lãnh đạo Mỹ và Anh đang thảo luận về Hiệp định Thương mại song phương ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP)

Trong cuộc tiếp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Nhà Trắng ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai nước đang thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Anh, song không đưa ra bất cứ cam kết nào về vấn đề này.

Phát biểu họp báo chung với Thủ tướng Johnson, trả lời câu hỏi liên quan đến FTA mà London đang thúc đẩy mạnh mẽ, Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ phải làm việc về vấn đề đó" và rằng thỏa thuận này "đang tiếp tục được thảo luận."

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc đến vấn đề Bắc Ireland trong quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rút khỏi khối này, hay còn gọi là Brexit, trong đó bày tỏ Mỹ không muốn "có sự thay đổi" trong thỏa thuận đã có. Tuy nhiên, ông khẳng định vấn đề Bắc Ireland và đàm phán FTA Mỹ-Anh là "hai chủ đề riêng biệt."

[Ngoại trưởng Anh và Mỹ thảo luận các vấn đề song phương]

Về phần mình, Thủ tướng Anh ca ngợi "tiến bộ lớn" gần đây trong mối quan hệ giữa London và Washington, đồng thời hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh do COVID-19 đối với du khách nước ngoài muốn vào Mỹ là động thái "tuyệt vời."

Nhà lãnh đạo Anh cũng đánh giá cao thỏa thuận chiến lược mới giữa nước này với Mỹ và Australia (AUKUS).

Chính phủ Anh đang xúc tiến các cuộc đàm phán hậu Brexit với EU về các thỏa thuận hải quan đối với Bắc Ireland.

Tuy nhiên, tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo nếu "Hiệp ước Thứ Sáu tốt lành," vốn giúp lập lại hòa bình ở vùng Bắc Ireland, bị tổn hại thì Washington và London sẽ không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào thời kỳ hậu Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.