Châu Âu trước thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy lại đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự gắn kết nội khối ở châu Âu như thời điểm hiện tại.
Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 23-26/5, Liên minh châu Âu (EU ) sẽ tiến hành bầu cử để chọn ra 751 đại biểu của Nghị viện châu Âu.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh số lượng người dân đi bầu cử giảm dần qua từng mùa kể từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1979 và phần lớn năng lượng trong cuộc chạy đua năm nay lại đến từ những thành phần dân túy phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn.

Có thể nói, chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy lại đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự gắn kết nội khối ở châu Âu như thời điểm hiện tại.

Vài ngày trước khi 400 triệu cử tri tiềm năng của châu Âu được kêu gọi đi bỏ phiếu, các lãnh đạo của EU hy vọng sẽ thay đổi được số lượng cử tri vốn luôn ít ỏi để tránh mở ra cánh cửa cho những thế lực hoài nghi châu Âu.

Giới nghiên cứu chính trị cho rằng cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tương đương với các cuộc bầu cử diễn ra song song ở 28 quốc gia, và luôn chứng kiến số lượng cử tri thấp và xu hướng bỏ phiếu bất tín nhiệm cao.

[Gần 50% cử tri châu Âu lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy]

Mặc dù hiện chỉ có Anh đang chuẩn bị rời khỏi EU, song các thành phần dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu đang hy vọng phá vỡ sự đoàn kết nồng ấm của Brussels.

Các cuộc thăm dò trong giai đoạn đầu của chiến dịch vận động cho thấy có tới khoảng 173 thành viên được lựa chọn từ các nhóm này, bất chấp những khác biệt giữa chính họ có thể khiến họ sẽ gặp nhiều khó khăn để thống nhất thành một khối cử tri.

Thực tế cho thấy dù vẫn là những khối cử tri lớn nhất, song các nhóm trung hữu và trung tả đã thống trị chính trường liên Âu những năm gần đây dường như đang mất đi vị thế của mình.

Trong khi đó, nếu các đảng phái cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trong Nghị viện châu Âu hợp sức thành liên minh mới, điều này có thể tác động tới định hướng lập pháp và hoạt động chung của nguy hiểm, và nguy cơ EU bị chống phá ngay từ bên trong sẽ là một vấn đề lớn.

Hiện các đảng dân túy và hoài nghi châu Âu đã trỗi dậy ở nhiều nước thuộc EU dù không phải tất cả đều đi xa đến mức muốn đưa đất nước từ bỏ khối liên minh này như điều nước Anh đã và đang làm.

52% người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời EU. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Có thể nói, Anh là ví dụ rõ nét nhất cho thấy sự lớn mạnh của các đảng phái hoài nghi châu Âu, chống lại thể chế và chính sách nhập cư của khối.

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016, 52% người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời EU, một kết quả khiến cả khối và toàn thế giới không khỏi sững sờ.

Quá trình "ly hôn" đã diễn ra trong nỗi bất an, lo sợ và cả sự đau đầu đối với cả hai bên. Hai lần gia hạn đối với thời hạn chót ban đầu Anh rời EU là 29/3/2019 đồng nghĩa với việc Anh sẽ vẫn tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu nhưng rồi sẽ sớm không còn là thành viên của nghị viện. Lúc đó, tương quan lực lượng chính trị trong EU sẽ thay đổi với những hệ lụy vẫn chưa thể lường hết.

Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, vốn nắm 14 trong tổng số 74 ghế nghị sĩ châu Âu của Pháp, đã hạ giọng chống châu Âu song vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về chống nhập cư.

Hai đảng cánh hữu hoài nghi châu Âu là "Những người yêu nước" vốn đang thúc đẩy Pháp rời EU và đảng "Nước Pháp đứng lên" có hai ghế mỗi đảng trong nghị viện châu Âu.

Còn đảng cực tả "Nước Pháp bất khuất" với 3 thành viên là nghị sỹ châu Âu lại phản đối một vài hiệp định nhất định của EU song không kêu gọi Pháp rời khối.

Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có quan điểm chống châu Âu và nhập cư đã giành được các ghế đầu tiên của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2017 với gần 13% số phiếu ủng hộ.

AfD là đảng đối lập lớn nhất và duy nhất của Đức song chỉ chiếm một ghế trong tổng số 96 ghế nghị viện châu Âu của Đức, tức đã mất đi 6 ghế sau khi hàng loạt thành viên rời bỏ đảng này.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cũng được ghi nhận tại Italy khi liên minh cầm quyền của Italy gồm đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn chống nhập cư đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2018 với cương lĩnh tranh cử tập trung vào vấn đề chống nhập cư và chống châu Âu song thất bại trước yêu cầu đưa Italy ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chính phủ dân túy của Italy đã bất đồng với hầu hết các đối tác châu Âu khi đóng cửa các hải cảng của nước này để không tiếp nhận người tị nạn đồng thời vướng vào các tranh cãi với Brussels về vấn đề đóng góp cho ngân sách.

Trong số 73 ghế nghị sỹ châu Âu của Italy, 6 ghế thuộc về Liên đoàn và 11 thuộc về M5S.

Bộ trưởng Nội vụ Italy theo đường lối cứng rắn và cũng là người đứng đầu đảng Liên đoàn, ông Matteo Salvini, đã kêu gọi các đảng dân tộc dân túy khắp châu Âu tập hợp lực lượng và hình thành một liên minh sau bầu cử nghị viện châu Âu.

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thường chỉ trích EU, nhất là về chính sách nhập cư.

Tương tự, Thủ tướng Séc Andrej Babis cũng đã đối đầu với Brussels về vấn đề nhập cư. Đảng ANO theo đường lối ôn hòa và dân túy của ông Babis chỉ nắm 2 trong tổng số 21 ghế nghị viện châu Âu của Czech, song nổi lên là đảng thắng thế áp đảo trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 10/2017 và đã có đủ ghế để thành lập một chính phủ thiểu số.

Ngoài những nước trên, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu cũng đang đang len lỏi trong nghị trường của các nước châu Âu khác như Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Thụy Điển.

Do đó, việc tìm ra những ứng cử viên cho các chức vụ hàng đầu EU có thể truyền cảm hứng khắp châu lục có quá nhiều quốc gia và nhóm ngôn ngữ này, đặc biệt trong bối cảnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu, là một vấn đề khó khăn và đầy thách thức mà châu Âu đang đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục