Hội nghị quốc tế Liên minh châu Phi (AU) bàn về dịch bệnh Ebola đã khai mạc ngày 20/7 tại Malabo, thủ đô của Guinea Xích đạo, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của các nước châu Phi trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola cũng như thảo luận kế hoạch phục hồi và tái thiết các nước sau thảm họa Ebola.
Với chủ đề "Châu Phi giúp người dân châu Phi trong việc phục hồi và tái thiết hậu Ebola," hội nghị hai ngày đã quy tụ các quan chức chính phủ, các cơ quan khu vực và Liên hợp quốc, các lĩnh vực tư nhân nhằm chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thu được trong cuộc chiến chống Ebola.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Ủy viên phụ trách các vấn đề xã hội của AU Mustapha Kaloko nhấn mạnh sự lây lan của virus Ebola ở các quốc gia Tây Phi là dịch bệnh lớn nhất, dài nhất và phức tạp nhất trong gần 4 thập kỷ qua.
Điều này cho thấy hệ thống y tế yếu kém tại các nước bị ảnh hưởng cũng như sự sụt giảm đáng kể các nguồn tài chính, con người, và trang thiết bị cần thiết để đối phó hiệu quả và kịp thời với sự lây lan của bệnh dịch.
Theo ông, hiện quỹ dành cho y tế tại hầu hết các nước châu Phi đều ở dưới mức cần thiết để có thể vận hành một hệ thống y tế cơ bản. Do đó, cần có các sáng kiến mới để đa dạng hoá nguồn quỹ.
Ông Kaloko cũng kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn đối với các nỗ lực hồi phục của 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Ebola, trong đó có việc đảm bảo hệ thống y tế của các nước này có thể đối phó với dịch bệnh và các tình trạng nhân đạo khẩn cấp khác cũng như tiếp tục giải quyết các vấn đề y tế ngoài Ebola.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra một cách thức cụ thể hướng tới việc thiết lập một khung chiến lược và chính sách toàn cầu nhằm đối phó hiệu quả với dịch Ebola và các dịch bệnh chính của châu lục cũng như giúp Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi, cơ quan y tế liên châu Phi, hoạt động hiệu quả.
Dịch Ebola bùng phát tại miền Nam Guinea từ tháng 12/2013, sau đó lan nhanh sang Liberia và Sierra Leone.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca tử vong do nhiễm virus Ebola đến nay là hơn 11.200 người, trong đó hơn 4.800 trường hợp được ghi nhận tại Liberia.
Cũng trong ngày 20/7, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính để ngăn chặn sự bùng phát dịch cúm gia cầm ở Tây Phi - khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự hoành hành của dịch bệnh Ebola mới đây.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết hiện cần khoảng 20 triệu USD để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan nhanh của virus cúm gia cầm H5N1 ở các quốc gia Tây Phi và các khu vực lân cận. Đặc biệt, virus nguy hiểm này có thể lây truyền sang người và nguy cơ gây tử vong rất cao.
FAO cho biết tổ chức này đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát và cách ly các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm.
Lời kêu gọi trên được FAO đưa ra sau khi phát hiện hiện tượng gia cầm chết hàng loại tại nhiều trang trại chăn nuôi, thị trường buôn bán gia cầm và các hộ gia đình tại Burkina Faso, Cote d'Ivoire, Niger, Nigeria và Ghana.
Người đứng đầu Cơ quan Thú y của FAO, ông Juan Lubroth cảnh báo virus H5N1 có thể làm cho gia cầm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm và làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã khó khăn của các quốc gia tại khu vực này. Do đó, cộng đồng quốc tế và các chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thú y và thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình dịch bệnh, cũng như giải quyết tận gốc dịch bệnh nguy hiểm này, trước khi có thể lây lan sang người./.