Châu Phi tràn đầy kỳ vọng về tương lai ngành công nghiệp vũ trụ

Nhà phân tích thị trường Nam Phi Rorisang Moyo nhận định cơ hội để châu Phi xây dựng được ngành công nghiệp vũ trụ hùng mạnh cho riêng mình là rất lớn và giúp ích rất nhiều cho người dân Lục địa Đen.
Sân bay vũ trụ đầu tiên của châu Phi đã được lên kế hoạch xây dựng tại sa mạc Djibout. (Ảnh NDR)

Công nghiệp vũ trụ là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới. Từ lâu châu Phi bị coi là “người đến sau," nhưng giờ đây, một cơ quan vũ trụ mới và một sân bay vũ trụ trên lục địa đang ở “phía chân trời."

Nhà phân tích thị trường Nam Phi Rorisang Moyo nhấn mạnh: “Cơ hội để châu Phi có thể xây dựng được ngành công nghiệp vũ trụ hùng mạnh cho riêng mình là rất lớn, một ngành công nghiệp vũ trụ thực sự giúp ích cho người dân ở châu Phi."

Với tư cách là chuyên gia, bà Moyo cho rằng vũ trụ là một ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển to lớn, đặc biệt là ở châu Phi.

Cho đến nay, các vệ tinh của châu Phi phóng vào vũ trụ đều thực hiện từ các bãi phóng bên ngoài châu Phi, chủ yếu từ Baikonur ở Kazakhstan, Guiana thuộc Pháp nằm ở bờ Bắc Nam Mỹ hoặc từ California ở Mỹ vì châu Phi thiếu các sân bay vũ trụ và năng lực kỹ thuật cần thiết.

Các công ty châu Phi sẽ phải mua một phần lớn các dịch vụ cần thiết, vốn được coi là vô cùng đắt đỏ.

Tuy nhiên, theo bà Moyo, điều này sẽ sớm thay đổi khi ngày càng có nhiều chính phủ châu Phi bắt đầu đầu tư vào các dự án không gian. Nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả các công ty tư nhân từ khắp nơi trên thế giới đang theo đuổi lĩnh vực này.

Châu Phi sẵn sàng cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ

Năm 2021, ngành công nghiệp vũ trụ châu Phi được định giá khoảng 20 tỷ USD (27 tỷ euro), nhưng đến năm 2026, con số này được dự đoán sẽ lên tới 23 tỷ USD.

Moyo, người sẽ đứng đầu một ủy ban về Thúc đẩy hợp tác quốc tế và đối tác công-tư, nhấn mạnh quan trọng hơn cả là một Cơ quan Vũ trụ châu Phi sẽ được đặt trụ sở tại Cairo.

Dự án xuyên quốc gia này của AU sẽ mang lại tiếng nói cho lục địa này trên trường quốc tế. Do các đặc điểm địa lý - đặc biệt là vị trí nằm trên đường xích đạo - châu Phi đặc biệt thích hợp cho việc xây dựng các sân bay vũ trụ, từ đó không chỉ các vệ tinh châu Phi có thể được phóng vào vũ trụ trong tương lai.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư cần thiết sẽ đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng ở châu Phi. Để làm được điều này, việc điều chỉnh quan hệ với các nhà đầu tư và đối tác từ các châu lục khác theo cách ràng buộc là điều quan trọng. Theo bà Moyo, đó chính là những gì Cơ quan Vũ trụ châu Phi sẽ phải làm.

Djibouti - Dự án tỷ USD với đối tác Trung Quốc

Châu Phi là lục địa duy nhất chưa xây dựng bãi phóng tên lửa vũ trụ. Nhiều nỗ lực thiết lập các sân bay vũ trụ trên lục địa trong những thập kỷ gần đây đều thất bại.

Tuy nhiên, lần này thì khác. Kế hoạch xây dựng sẽ bắt đầu ở Djibouti, vùng Sừng châu Phi. Một ý định thư đã được ký đầu năm nay giữa Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh và công ty Hong Kong Aerospace Technology của Trung Quốc.

Đối với sân bay vũ trụ trị giá 1 tỷ USD, dự kiến xây dựng trong khoảng thời gian 5 năm, Djibouti đang dựa vào vị trí địa lý lý tưởng của mình, cụ thể là vị trí gần đường xích đạo và vị trí chiến lược của nó ở lối vào Biển Đỏ, một trong những tuyến đường buôn bán sầm uất nhất thế giới.

[Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ, phát triển ngành công nghiệp vũ trụ]

Thỏa thuận nêu rõ rằng cơ sở hạ tầng sẽ do Trung Quốc và Djibouti cùng quản lý trong thời gian 30 năm.

Bà Moyo chia sẻ: “Dự án Djibouti là một ví dụ về sức mạnh có thể đến từ sự hợp tác giữa một quốc gia lớn trong lĩnh vực du hành vũ trụ - Trung Quốc với một quốc gia có ngành công nghiệp vũ trụ vẫn còn sơ khai."

Không còn nghi ngờ gì nữa, Djibouti sẽ sớm trở thành một sân chơi quốc tế quan trọng trong ngành vũ trụ.

Kenya: Tên lửa của Mỹ đưa vệ tinh nghiên cứu vào vũ trụ

Kenya cũng đang tạo nên làn sóng với một dự án không gian đầy tham vọng và vệ tinh do thám của riêng mình: Taifa-1, Swahili của "Nation-1."

Vệ tinh quan sát Trái Đất hoạt động đầu tiên của Kenya đã được chính một nhóm các nhà nghiên cứu Kenya thiết kế và phát triển. Trung tuần tháng 4/2023, Taifa-1 đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy SpaceX từ California.

Một tên lửa ESA Ariane-5 tại bệ phóng ở sân bay vũ trụ của châu Âu ở Kourou, Guiana thuộc Pháp. Cho đến nay, các vệ tinh của châu Phi vẫn do các cơ quan vũ trụ nước ngoài phóng vào vũ trụ với chi phí rất cao. (Ảnh: NASA/Bill Ingalls/Reuters))

Taifa-1 dự kiến sẽ cung cấp dữ liệu có giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp và giám sát môi trường ở Kenya. Cả hai đều được coi là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của quốc gia Đông Phi, nơi hiện đang phải hứng chịu những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây.

Cơ quan vũ trụ Kenya cho biết thông qua các hình ảnh camera đa phổ của vệ tinh, Taifa-1 có thể thu được dữ liệu quan sát Trái đất chất lượng cao giúp dự đoán biến đổi khí hậu và năng suất cây trồng.

Theo nhà phân tích Moyo, với những dự án như vậy và ngày càng có nhiều dự án như vậy, người dân Lục địa Đen ngày càng được hưởng lợi, thậm chí có thể cải thiện an ninh lương thực.

Kenya đã phóng các vệ tinh nhỏ (nanosatellites) đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 2018.

Theo “Space in Africa," một công ty của Nigeria giám sát các chương trình không gian của châu Phi, hơn 50 vệ tinh châu Phi đã được phóng lên quỹ đạo tính đến năm 2022, trong đó vệ tinh đầu tiên của Ai Cập được phóng vào năm 1998.

Angola: Nga giúp mở rộng vùng phủ sóng

Theo bà Moyo, một nước nữa ở châu Phi có tốc độ tăng trưởng ổn định trong ngành vũ trụ là Angola, quốc gia từ lâu đặt mục tiêu tự cung tự cấp về viễn thông.

Tháng 10/2022, vệ tinh thứ hai của Angola - Angosat-2, một vệ tinh khổng lồ nặng 2 tấn với khả năng truyền dữ liệu cực cao, đã được đưa vào quỹ đạo.

Angosat-2 của Angola được phóng vào tháng 10/2022 bằng tên lửa đẩy Proton-2 của Nga. (Ảnh: Sergei Savostyanov/TASS/DPA)

Vệ tinh trị giá 320 triệu USD, chế tạo ở Nga và được phóng vào vũ trụ từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan. Tín hiệu của nó phủ sóng hầu hết lục địa châu Phi và một phần lớn Nam Âu.

Chính phủ Angola cam kết sẽ đưa nước này lên hàng đầu về phát triển viễn thông ở châu Phi bằng vệ tinh này.

Bộ trưởng Viễn thông Angola Mario Oliveira, trong lễ ra mắt vệ tinh, phát biểu: “Với kế hoạch này, Angola đã bước vào một kỷ nguyên mới. Chúng tôi đã tiến thêm một bước tới việc thiết lập một cơ sở hạ tầng viễn thông xứng đáng với tên gọi này."

Trong nhiều thập kỷ qua, châu Phi đã hy vọng đạt được những bước tiến của riêng mình trong ngành vũ trụ. Những hy vọng này không phải lúc nào cũng được thực hiện.

Nhưng giờ đây, bà Moyo tự tin nói rằng: “Thành công đã nằm trong tầm tay: Tương lai của công nghệ vũ trụ thuộc về lục địa châu Phi."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục