“Chảy máu” tài nguyên vì nhập nhèm trong quản lý

“Chảy máu” tài nguyên vì nhập nhèm trong khâu quản lý

Bên cạnh việc thất thu ngân sách, tỉnh Bắc Kạn còn "bế tắc" trước nạn khai thác khoáng sản trái phép, do nhập nhèm trong công tác quản lý.
Sông Năng tại xã An Thắng bị băm nát vì vàng

Câu chuyện nợ đọng thuế và phí môi trường lên đến gần 180 tỷ đồng của Công ty Nguyên Phát được đề cập trong bài viết trước chỉ là một phần nhỏ trong “bức tranh màu xám” về hoạt động khai thác khoáng sản của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, dù ở cấp độ nào thì một thực tế không thể phủ nhận là tài nguyên khoáng sản ở địa phương này đang ngày bị suy giảm và bắt đầu cạn kiệt; trong khi nghèo đòi vẫn gia tăng.

Điều đáng nói, tình trạng nợ đọng đã diễn ra nhiều năm, song chính quyền sở tại vẫn không hối thúc được doanh nghiệp. Vậy tình trạng chây ỳ nộp thuế và phí môi trường của doanh nghiệp khai thác khoáng sản bắt nguồn từ đâu? Phải chăng có sự tiếp tay, hay thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại?

“Nhập nhèm” trong quản lý

Mở đầu cho thực tế quản lý tài nguyên khoáng sản thiếu minh bạch là việc ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn một mực khẳng định Công ty Nguyên Phát đã tạm dừng khai thác vàng từ hồi tháng 5/2013 vì mưa lũ.

Tuy nhiên, khi có mặt tại địa điểm khai thác vàng thuộc mỏ Bản Nghiểng-Vằng Ma, thuộc địa phận xã An Thắng vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2013, phóng viên không khó để ghi lại những hình ảnh về hoạt động khai thác vàng của doanh nghiệp này.

Điều đáng nói, khoảng cách từ trụ sở Ủy ban Nhân dân xã An Thắng tới điểm khai thác vàng chỉ vài cây số, nhưng cán bộ địa phương lại không nắm được hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, khi được cung cấp những hình ảnh về hoạt động khai thác trên, vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thắng còn chống chế: “Có thể họ mới khai thác nên chúng tôi không nắm được.”

Xác nhận về thực tế trên, ông Quách Xuân Giai, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm, cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được thông tin có tình trạng khai thác vàng ở mỏ Bản Nghiểng-Vằng Ma. Tuy nhiên, cũng khá lâu chúng tôi không vào kiểm tra, bản thân xã cũng không báo cáo tình hình khai thác ở đó như thế nào.”

Trong khi đó, ở cấp quản lý cao hơn, ông Hoàng Minh Hồng, Bí thư huyện ủy Pác Nặm khẳng định bên cạnh việc không tuân thủ việc nộp thuế và phí môi trường, Công ty Nguyên Phát còn cho người ngoài vào làm "ké" với danh nghĩa người của công ty. 

“Thậm chí, có thông tin còn cho rằng trong thời gian hoạt động, Công ty Nguyên Phát đã biếu một số lãnh đạo xã khoản tiền (mỗi cán bộ khoảng một triệu đồng), nên khi huyện xuống kiểm tra, bác nào cũng báo cáo tốt cho doanh nghiệp,” ông Hồng nói.

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn một năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cũng cho thấy sự nhập nhèm tương tự của chính quyền sở tại. Cụ thể, tháng 7/2012, một số đối tượng núp dưới danh nghĩa người làm ở vườn ươm cây giống ở khu vực giáp ranh giữa xã Nghĩa Tá và xã Lương Bằng để khai thác quặng trái phép tại mỏ Kéo Lếch đồng thời vận chuyển, buôn bán trái phép hàng nghìn tấn quặng sắt.

Theo nguồn tin từ người dân địa phương, việc khai thác ở khu vực này diễn ra cả ngày lẫn đêm trên diện tích rộng vài hécta. Hàng ngày, nhiều máy móc được đưa vào đào bới mỏ, nhưng chính quyền hai xã Nghĩa Tá và Lương Bằng không hề báo cáo lên các cơ quan chức năng. Và, chỉ đến khi sự việc được phơi bày trên các mặt báo, chính quyền sở tại mới vào cuộc.

Thừa nhận thực tế trên, ông Hoàng Văn Mão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dan huyện Chợ Đồn, cho biết ngay sau khi phát hiện sự việc, Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, nhưng đến nay các cơ quan chức năng huyện, tỉnh vẫn không thể truy tìm được thủ phạm.

“Do không có căn cứ để khởi tố hình sự, nên ngành công an đã tịch thu số quặng còn lại. Mới đây, Trung tâm đấu giá tỉnh thuộc Sở Tư pháp đã đưa ra đấu giá 2.000 tấn quặng với giá hơn 200 triệu đồng nộp vào ngân sách,” ông Mạo nói.

Rõ ràng việc khai thác và buôn bán trái phép hàng nghìn tấn quặng sắt tại mỏ Kéo Lếch là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý những cán bộ xã liên quan, vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Đồn chỉ trả lời: “Cử tri phát hiện phải có ý kiến, đơn từ thì chúng tôi mới nắm được và có biện pháp, chứ huyện có nhận được đơn, thư gì đâu mà xử lý.”

Những "núi đất" còn lại sau khi nạn khai thác quặng trái phép bị dẹp bỏ

Bất lực nhìn tài nguyên “chảy máu”

Điểm “nhập nhèm” thứ ba diễn ra tại địa bàn xã Ngọc Phái, cũng thuộc huyện Chợ Đồn. Đây là xã có hai mỏ khoáng sản lớn, được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, nhưng ông Tô Thanh Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã này lại buồn rầu khi chúng tôi đề cập tới hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp.

Ông Hoàn chia sẻ: “Xã có hai mỏ khoáng sản là Ba Bồ và Bản Khuôn. Hiện mỏ Ba Bồ đã phải dừng hoạt động do tranh chấp với công ty khác. Tuy nhiên, sau khi ngừng khai thác, công ty này còn để lại hố sâu 30m, rộng vài nghìn mét vuông nhưng không chịu hoàn thổ.”

Khi được hỏi về công tác phối hợp kiểm tra giữa chính quyền xã và các cấp ban, ngành phía huyện và tỉnh, vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Thái trăn trở: Việc khai thác khoáng sản ở đây đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và ruộng đồng của bà con. Tuy vậy, ngành tài nguyên và môi trường rất ít khi vào kiểm tra tình hình khai thác mỏ.

Không chỉ huyện Pác Nặm, hay Chợ Đồn, mà tại Ngân Sơn- huyện có nhiều mỏ khoáng sản (quặng, chì, kẽm...) cũng để lộ nhiều vấn đề nan giải. Điển hình là tại một số khu vực như Nặm Nộc, Khinh Héo (xã Bằng Vân); Nà Pò (xã Thuần Mang); Phặc Lốm, bản Khét (xã Lãng Ngâm)…

Theo ông Hoàng Ngọc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn, việc khai thác khoáng sản trái phép, nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đến nay đã cơ bản chấm dứt. Từ năm 2008 đến nay, huyện có 10 mỏ được cấp phép, trong đó 6 mỏ cấp cùng ngày 30/6/2011 nhưng tất cả đều không hoạt động hiệu quả.

“Hiện, 6/10 mỏ vẫn chưa ký quỹ bảo vệ môi trường và cũng không có đánh giá tác động môi trường, hay thăm dò khai thác, mà chủ yếu khai thác theo sổ sách. Mặt khác, số liệu thăm dò đã cũ, nên khi khai thác, doanh nghiệp thường không thấy quặng, hoặc hàm lượng quặng quá thấp,” ông Ngự cho biết.

Ngoài các điểm bất cập liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản nêu trên, Bắc Kạn còn để lại nhiều tai tiếng, bởi tình trạng khai thác vàng “hiên ngang” ngay trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì suốt nhiều năm qua.

Theo ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, thực trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Na Rì đã xảy ra từ nhiều năm, gây thất thoát lượng tài nguyên lớn của địa phương.

“Tuy vậy, chúng tôi và các ngành liên quan dường như đã bất lực trước nạn vàng tặc ở Kim Hỷ, bởi nơi đây là khu vực tập kết rất nhiều đối tượng nghiện ngập. Thực tế có những đợt chúng tôi và lực lượng công an, kiểm lâm đã ra quân truy quét nhưng vẫn không được, vì hầu hết các đội tượng sống ở dưới hang, hầm,” ông Nguyên thừa nhận.

Với không ít những điểm nhập nhèm đã được đề cập, có lẽ đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn cần nhìn nhận lại nghiêm túc vấn đề quản lý tài nguyên và cấp mỏ. Bởi nếu không đẩy mạnh và làm tốt công tác này, Bắc Kạn khó có thể giải quyết được thực trạng bất cập hiện nay là cấp phép khai thác mỏ nhưng không thu được thuế, phí môi trường, hoặc không cấp mỏ thì cũng khó có thể bảo vệ được tài nguyên do nạn khoáng tặc… lộng hành. Trong khi đó, đời sống người dân thì cứ mãi cùng cực, sống mòn cùng với ô nhiễm và đói nghèo.

Bài 3: Nghịch lý khoáng sản: “Dân nghèo trên đống vàng


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục