Cháy rừng Amazon có thể ảnh hưởng tới nhiệt độ toàn cầu

Giáo sư Jorge Naveda khẳng định hậu quả của các vụ cháy rừng vừa qua tại Amazon sẽ làm tăng thêm nhân tố tác động tiêu cực tới môi trường, gây hạn hán kéo dài.
Khu vực rừng Amazon ở Boca do Acre, bang Amazonas (Brazil) trơ trụi sau thảm họa cháy rừng, ngày 24/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, các chuyên gia môi trường cảnh báo các vụ cháy rừng Amazon trong 24 ngày qua tại Brazil và một số nước Nam Mỹ khác có thể làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu và hiện tượng thời tiết cực đoan.

Phát biểu với báo giới ngày 28/8, Giáo sư Jorge Naveda, Đại học trung ương Venezuela (UCV) dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,1- 0,2 độ C. Sự gia tăng này không nằm trong ước tính mức tăng nhiệt độ hằng năm và xảy ra đầu tiên ở những khu vực gần xích đạo.

Ông Naveda khẳng định hậu quả của các vụ cháy rừng vừa qua tại Amazon sẽ làm tăng thêm nhân tố tác động tiêu cực tới môi trường, gây hạn hán kéo dài bởi hệ sinh thái vùng Amazon có tầm quan trọng đối với khí hậu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến lượng mưa và gió.

Chuyên gia sinh thái thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của UCV Francisco Javier cũng cho rằng thảm họa cháy rừng Amazon sẽ tác động đến sự ấm lên toàn cầu do lượng lớn khí nhà kính, đặc biệt khí CO2 sẽ thải vào khí quyển.

[Brazil từ chối đề nghị của Nhóm G7 viện trợ chống cháy rừng Amazon]

Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã công bố báo cáo đặc biệt về những ảnh hưởng khi Trái Đất nóng thêm 1,5 độ C, trong đó nhấn mạnh cần có những biện pháp thay đổi nhanh chóng nhằm kiểm soát sự gia tăng nhiệt độ trung bình để không vượt quá ngưỡng đó.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), chỉ riêng trong tháng Bảy vừa qua, hơn 2.250 ha rừng Amazon đã bị tàn phá, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp.

Được xem là "lá phổi xanh của hành tinh", rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục