Cộng hòa dân chủ Congo ngày 24/8 xác nhận hai ca đầu tiên nhiễm virus Ebola trong năm nay, song khẳng định rằng hai bệnh nhân này (đã chết) không liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành tại bốn nước Tây Phi.
Đây là lần thứ 7 bùng phát dịch Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo, một quốc gia Trung Phi vốn là nơi loại virus chết người này đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 ở gần sông Ebola.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa dân chủ Congo Felix Kabange Numbi cho biết hai trong số tám bệnh nhân có biểu hiện của bệnh sốt chưa rõ nguyên nhân đã có xét nghiệm dương tính với virus Ebola.
Tuy nhiên, ông Numbi khẳng định hai ca nhiễm mới này "không liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành ở Tây Phi" mà là một chủng khác.
Tám bệnh nhân trên nằm trong số 13 người đã tử vong tại tỉnh Equateur vì sốt xuất huyết từ ngày 11/8. Tỉnh này nằm cách thủ đô Kinshasa hơn 1.200km về phía Đông Bắc.
Toàn bộ bệnh nhân đều có các triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy và trước khi tử vong đều bị nôn ra dịch đen.
Khoảng 80 người có tiếp xúc với các bệnh nhân trên đã phải nhập viện. Chính quyền địa phương đã lập một vùng cách ly quanh khu vực có người nhiễm.
Tổ chức Bác sỹ Không biên giới đã cử một đoàn tới giúp đỡ bệnh nhân ở đây.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo một trong các chuyên gia dịch tễ học của mình đã nhiễm bệnh khi làm việc tại Sierra Leone. WHO không nói rõ danh tính của y tá này, song cho biết anh "đang được chăm sóc tốt nhất."
Cùng ngày, y sỹ người Anh đầu tiên nhiễm virus Ebola sống ở Sierra Leone đã được đưa về bệnh viện London và cách ly để điều trị. Bộ Quốc phòng Anh cho biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này "không nghiêm trọng."
Người phát ngôn Bộ Y tế Sierra Leone Yahya Tunis đã ca ngợi nam y sỹ này là một "thành viên rất quan trọng" trong một nhóm y bác sỹ chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Kenema, khu vực bị nhiễm nặng nhất ở miền Đông nước này hiện đã được cách ly.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha đưa tin hai công dân nước này nghi nhiễm virus Ebola đã có xét nghiệm âm tính. Hai bệnh nhân này từng ở Guinea trước khi về Tây Ban Nha.
Trong đợt bùng phát năm nay, dịch Ebola xuất hiện đầu tiên tại vùng rừng ở Nam Guinea từ tháng Ba vừa qua và đến nay đã gây tử vong cho 1.427 người trong tổng số 2.600 ca nhiễm.
Liberia là nước có nhiều ca tử vong nhất (624 ca). Sierra Leone hiện ghi nhận 392 ca tử vong, trong khi Guinea có 406 ca và Nigeria 5 ca.
Dịch bệnh này cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của những nước nghèo nhất thế giới này. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cảnh báo việc một số hãng hàng không quốc tế hủy chuyến bay tới Tây Phi sẽ "gây thiệt hại kinh tế" cho khu vực này.
Một bằng chứng rõ nhất, tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal cho biết các hợp đồng khai quặng tại Liberia đã bị ngừng vì hãng phải rút nhân viên về nước.
Tại các khu vực bị cách ly ở Sierra Leone và Liberia, các loại cây ăn quả như cacao và cà phê đã bị bỏ rơi, không được chăm sóc vì nông dân sợ phải rời bỏ nhà cửa do dịch bệnh.
Một loạt biện pháp được áp đặt chống lại các nước bị nhiễm Ebola cũng gây ra nhiều xáo trộn trong khu vực. Chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh chống Ebola của Sierra Leon, ông Ibrahim Ben Kargbo bày tỏ "ngạc nhiên" về sự thiếu đoàn kết giữa các nước châu Phi.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Sierra Leon Ibrahim Bundu cho rằng quyết định hủy các chuyến bay và đóng cửa biên giới với Sierra Leon đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nước này và Sierra Leone sẽ xem xét lại quan hệ với những nước có liên quan sau khi tình hình trở lại bình thường./.