Hành trình xuyên Đại Tây Dương từ lâu đã không còn là khoảng cách mang tính thử thách đối với các nhà hàng hải trên thế giới.
Tuy nhiên, vượt Đại Tây Dương bằng một con thuyền được in theo công nghệ 3D lại là ý tưởng tiên phong trên thế giới của dự án khởi nghiệp mang tên Ocore của những nhà sáng chế trẻ Francesco Belvisi, Daniele Cevola và Mariga Perlongo đến từ Palermo, thủ phủ vùng tự trị Sicily, miền Nam Italy.
Đây là chiếc thuyền đầu tiên trên thế giới được sản xuất từ công nghệ in 3D và qua đó, Ocore muốn chứng minh tiềm năng của công nghệ tiến tiến này có thể thực hiện những dự án lớn hơn trong tương lai.
Nhà sáng chế Francesco Belvisi cho biết: "Một trong những thế mạnh lớn của chúng tôi là có thể tạo ra các cấu trúc phức tạp, nhẹ và rất bền, nhờ vào thuật toán tiên tiến trong chế tạo vật liệu mới."
Phát huy các kết quả nghiên cứu đã có, dự án Ocore sẽ có thể cho phép sản xuất "các vật thể lớn được tối ưu hóa cấu trúc trong hình học và ánh sáng, hoàn hảo cho việc vận hành thuyền với hiệu suất cao.”
[Google công bố dự án cáp quang xuyên Đại Tây Dương dài hơn 6.000km]
Bên cạnh đó, công nghệ này hoàn toàn có thể mang lại các ứng dụng ở các lĩnh vực khác.
Con thuyền buồm mang tên Mini 6.50 dự kiến sẽ được hoàn thành và hạ thủy vào tháng 10 tới và tham gia vào cuộc đua thuyền buồm nổi tiếng Mini Transat 2019, được tổ chức 2 năm một lần lần từ La Rochelle đến Martinique và chỉ dừng lại một lần tại quần đảo Canary.
Những thành viên tham gia sẽ phải một mình vượt qua 4.000 dặm trên biển với người bạn đồng hành là chiếc thuyền buồm dài 6,5m.
Dự án này của Ocore đã nhận được nhiều sự tài trợ, hỗ trợ đến từ khắp nơi trên thế giới. Vật liệu mới dùng để in con thuyền đã được gửi đến từ tập đoàn nổi tiếng Lehvoss của Đức. Công ty Autodest cung cấp phần mềm thiết kế con thuyền./.