Chỉ số S&P 500 chấm dứt chuỗi bốn tuần giảm điểm liên tiếp

Trên Phố Wall, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài suốt bốn tuần qua, trong khi chỉ số Dow Jones đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, còn chỉ số Nasdaq nối dài chuỗi tăng điểm theo tuần.
Chỉ số S&P 500 chấm dứt chuỗi bốn tuần giảm điểm liên tiếp ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) ngày 6/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính chung cả tuần qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm 0,3%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, và chỉ số Nasdaq tăng 1,6%.

Như vậy, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài suốt bốn tuần qua. Chỉ số Dow Jones đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, còn chỉ số Nasdaq nối dài chuỗi tăng điểm theo tuần.

Chứng khoán Mỹ đã có một tuần giao dịch lên xuống liên tục. Trong phiên giao dịch đầu tuần 2/10, chứng khoán Phố Wall biến động trái chiều sau khi Mỹ tránh được việc chính phủ phải đóng cửa trong gang tấc.

Sau đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất trong 16 năm (4,8%) đã khiến chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh trong phiên 3/10, trước khi phục hồi trở lại trong phiên giao dịch ngày 4/10 và diễn biến cầm chừng trong phiên sau đó.

Bước sang phiên 6/10, chứng khoán Mỹ đã đảo ngược đà giảm điểm trước đó trong cùng phiên, khi giới đầu tư phân tích báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy số việc làm tăng mạnh và áp lực tiền lương giảm xuống.

[Thị trường chứng khoán Mỹ cầm chừng chờ báo cáo việc làm]

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 288,01 điểm, hay 0,9%, lên 33.407,58 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 50,31 điểm, hay 1,2% lên 4.308,50 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 211,51 điểm, hay 1,6%, lên 13.431,34 điểm.

Ông José Torres, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty môi giới chứng khoán Interactive Brokers, cho biết tiền lương đã tăng chậm lại. Theo ông, đây là một diễn biến tích cực, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giới đầu tư lo ngại rằng thị trường lao động nóng sẽ khiến tiền lương tăng ngày càng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát, từ đó có thể khiến Fed duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, hoặc tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.

Báo cáo ngày 6/10 của Cơ quan Thống kê Lao động cho thấy kinh tế Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng Chín, vượt xa dự đoán 170.000 việc làm của giới chuyên gia. Báo cáo còn cho biết mức tăng việc làm trong tháng Tám và tháng Bảy cũng được điều chỉnh lên cao hơn.

Nhưng những chi tiết khác trong báo cáo này lại tỏ ra thuận lợi khi xét đến chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, tiền lương theo giờ trung bình chỉ tăng 0,2% trong tháng Chín, qua đó đưa mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái về mức 4,2%, thấp hơn mức tăng tiền lương theo năm 4,3% ghi nhận trong tháng Tám.

Trong khi đó, chuyên gia Neil Dutta của công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research cho rằng báo cáo nói trên phù hợp với dự đoán “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ và dự báo lạm phát quay về mức 2% của Fed./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục