Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng gần 2.000 tỷ USD trong năm 2020

Hai quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất trong năm 2020 là Mỹ và Trung Quốc, với việc Washington chiếm 39% mức tổng chi tiêu và Bắc Kinh chiếm 13%.
Hệ thống tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) của Mỹ (phía trước) trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hệ thống tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) của Mỹ (phía trước) trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu cho biết, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế thế giới, chi tiêu quân sự trên toàn cầu trong năm 2020 vẫn tăng gần 2.000 tỷ USD.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố ngày 25/4, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020 đã tăng 2,6% lên mức 1.981 tỷ USD trong khi GDP toàn cầu giảm 4,4%.

Hai quốc gia chi nhiều nhất trong năm 2020 là Mỹ và Trung Quốc, với việc Washington chiếm 39% mức tổng chi tiêu và Bắc Kinh chiếm 13%.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng song song với đà phát triển của nền kinh tế và đã duy trì tăng liên tục trong 26 năm, đạt con số ước tính 252 tỷ USD trong năm 2020.

[Xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu lần đầu chững lại sau hơn một thập kỷ]

Trong khi đó, Mỹ cũng tăng chi tiêu quân sự năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2020, sau 7 năm giảm liên tiếp.

Theo ôn Diego Lopes da Silva, một trong số các tác giả của báo cáo, nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ giảm chi tiêu quân sự.

Tỷ trọng chi tiêu quân sự so với GDP tăng từ 2,2% trong năm 2019 lên 2,4% trong năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Kết quả là nhiều thành viên trong NATO đạt mục tiêu theo hướng dẫn của khối này về việc chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.

Năm 2020, 12 quốc gia NATO đạt mục tiêu này, so với 9 quốc gia năm 2019.

Trả lời hãng tin AFP, ông Diego Lopes da Silva cho rằng việc chi tiêu quân sự toàn cầu tăng trong năm 2020 là khá bất ngờ trong bối cảnh đại dịch và kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy đại dịch ảnh hưởng tới chi tiêu quân sự của một số quốc gia. Ví dụ như Chile và Hàn Quốc đã công khai quyết định tái cơ cấu ngân sách quân sự sang các khoản để hỗ trợ phòng chống đại dịch.

Những nước khác như Nga và Brazil không nêu rõ ràng việc phân bổ lại ngân sách quốc phòng vì đại dịch COVID-19 song trong năm 2020 hai nước này đã chi tiêu quân sự ít hơn đáng kể so với dự kiến ngân sách ban đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục