Chi tiêu quốc phòng toàn cầu cao kỷ lục năm 2022, lên mức 2,2 % GDP

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đã tiếp nối đà tăng 8 năm liên tiếp, lên mức 2.240 tỷ USD - tương đương 2,2% Tổng sản phẩm nội địa của thế giới.
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 ảnh 1Tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot mà Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022.

Số liệu của SIPRI đưa ra ngày 23/4 cho thấy mức chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đã tiếp nối đà tăng 8 năm liên tiếp, lên mức 2.240 tỷ USD - tương đương 2,2% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thế giới.

Con số thống kê này không tính tỷ lệ lạm phát mạnh và do vậy chi tiêu trên thực tế có thể còn cao hơn.

Theo số liệu mới, chi tiêu quân sự của châu Âu vào năm 2022 đã tăng 13%, đạt 480 tỷ USD - đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm gần đây.

SIPRI cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lớn nhất về chi tiêu quân sự hằng năm ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngoài ra, nhiều quốc gia đã tăng cường ngân sách quốc phòng và lên kế hoạch chi tiêu cho quân sự nhiều hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và môi trường an ninh bất ổn.

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia là những nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Các quốc gia này lần lượt chiếm 39%, 13%, 3,9%, 3,6% và 3,3% chi tiêu quân sự của thế giới.

Theo các chuyên gia SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga ước tính đã tăng 9,2%, lên mức 86,4 tỷ USD, mặc dù vậy con số này là "không chắc chắn."

Còn chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 640% - mức tăng hằng năm cao nhất ở một quốc gia kể từ năm 1949, thời điểm SIPRI bắt đầu thống kê chi tiêu quốc phòng toàn cầu.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 ảnh 2Hệ thống phòng không tối tân Buk-M3 và S-350 của quân đội Nga. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Trong báo cáo thống kê mới nhất này, ngân sách quốc phòng của Ukraine lên tới 44 tỷ USD - tương đương 1/3 GDP của nước này, trong đó chưa kể tới số lượng lớn viện trợ quân sự do phương Tây cung cấp.

SIPRI ước tính viện trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là chi tiêu quân sự của các quốc gia Trung và Tây Âu trong năm 2022 đạt 345 tỷ USD, vượt qua mức chi tiêu của năm 1989 - thời điểm khi Chiến tranh Lạnh chuẩn bị kết thúc.

[SIPRI: Châu Âu tăng mạnh nhập khẩu vũ khí trong năm 2022]

Trước đó, Giám đốc SIPRI - ông Dan Smith - đã cảnh báo về một vòng xoáy tái vũ trang do những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu trên tờ NOZ của Đức, ông Smith nhấn mạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày nay đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí và chính điều này dẫn tới tình trạng nguy hiểm như hiện nay.

Ông cho rằng nếu NATO muốn hoạt động hiệu quả hơn ở châu Âu, tổ chức này cần được tổ chức tốt hơn, cơ cấu lại lực lượng của các nước thành viên, thay vì chỉ đơn thuần “bơm tiền” mua vũ khí.

Ông cảnh báo: "Chúng ta có những khoản chi tiêu quân sự khủng khiếp như vậy trên toàn thế giới, trong khi có rất nhiều lĩnh vực có thể được tài trợ bằng số tiền này."

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 ảnh 3Binh sỹ Ukraine tham gia khóa huấn luyện trên xe tăng Leopard 2 tại Zaragoza, Tây Ban Nha, ngày 13/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI - ông Nan Tian cho rằng: “Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất ổn… Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi, trong khi họ không thấy trước được những tín hiệu cải thiện trong tương lai gần.”

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, với mức tăng 0,7% (lên mức 877 tỷ USD vào năm 2022) - chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

Theo ông Nan Tian, mức gia tăng này chủ yếu là do “các hoạt động viện trợ quân sự tài chính chưa từng có mà Mỹ dành cho Ukraine.”

Theo số liệu từ SIPRI, chi phí cho các hoạt động viện trợ quân sự mà mỹ dành cho Ukraine ước tính lên tới 19,9 tỷ USD vào năm 2022.

Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là nước chi tiêu quân sự nhiều thứ hai thế giới, với phân bổ ước tính 292 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn 4,2% so với năm 2021 và là mức tăng liên tục trong 28 năm liên tiếp.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD cho các hoạt động của quân đội nước này vào năm 2022, tăng 5,9% so với năm trước. SIPRI cho biết đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 1960./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục