Theo trang khmertimeskh.com, đại dịch COVID-19 cùng với sự cạnh tranh và căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các siêu cường đã làm suy yếu trật tự và an ninh quốc tế, đồng thời cản trở những tiến bộ mà Liên hợp quốc mong muốn đạt được trong bối cảnh thời điểm kỷ niệm 77 năm thành lập đang đến gần.
Ở Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự.
Các đối thủ địa chính trị có những phân nhánh chiến lược sâu rộng đối với an ninh phi truyền thống và phi quy ước.
[Dòng vốn FDI đầu tư vào ASEAN tăng lên mức 174 tỷ USD]
Các mối đe dọa đối với an ninh khu vực bao gồm cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, tranh chấp ở Biển Đông, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan, chiến tranh ở Ukraine, biến đổi khí hậu, các loại tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố.
Một số vấn đề trong số này là cũ và cực kỳ phức tạp, và chúng ta không nên mong đợi ASEAN giải quyết chúng trong "một sớm một chiều."
Campuchia, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2022, đã đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các cuộc họp liên quan mà đã thảo luận hiệu quả các mục tiêu của ASEAN trong năm 2022 cũng như các biện pháp thực tế và khả thi để thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN và các quan hệ đối tác bên ngoài ASEAN.
ASEAN xứng đáng được công nhận trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, một cơ chế hiệu quả để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu hiện nay.
Chủ nghĩa đa phương quan trọng đối với ASEAN
Trong hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN đã phát triển bao trùm tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Timor-Leste.
Tổ chức này đã khuyến khích hội nhập chính trị, kinh tế và xã hội giữa các thành viên và với các đối tác của khối, đồng thời xác định mình là một trong những tổ chức khu vực tích cực và mạnh mẽ nhất trên thế giới.
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á và lớn thứ 6 trên thế giới. Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do COVID-19 gây ra, ASEAN cam kết tăng cường thống nhất kinh tế bằng việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020.
Mức độ phát triển chủ nghĩa đa phương này hiếm khi đạt được ở các khu vực khác trong cùng thời kỳ.
Đoàn kết khu vực cũng đã được thúc đẩy theo các sáng kiến và khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt, chẳng hạn như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
ASEAN được thành lập nhằm thúc đẩy hòa bình và hạnh phúc của người dân trong khu vực.
Quá trình phát triển khu vực được dẫn dắt bởi các hiệp định và sự tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hiến chương ASEAN đã hệ thống hóa các khái niệm này.
Do tuân thủ các khái niệm và giá trị này, các quốc gia ASEAN không thể từ bỏ chủ nghĩa đa phương, bất kể các mối đe dọa là gì.
Trong 55 năm qua, ASEAN đã trở thành một diễn đàn khu vực lớn về đối thoại tham vấn, xây dựng và thúc đẩy lòng tin.
Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là quy tắc ứng xử chính điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và là nền tảng để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
ASEAN coi trọng hợp tác thông qua sự thống nhất, không đối đầu, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác lâu dài.
ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua những áp lực từ cạnh tranh địa chính trị của các cường quốc.
AMM-55 và các cuộc họp liên quan đã nhấn mạnh đặc tính của ASEAN như một gia đình liên kết gồm 10 quốc gia cùng nhau làm việc để đạt được các mục tiêu chung.
ASEAN coi trọng sự thống nhất và đoàn kết trong việc giải quyết các thách thức khu vực và tăng cường đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh cũng như tăng trưởng bao trùm của khu vực và toàn cầu.
ASEAN cũng là một nền tảng hợp tác giữa tổ chức này và các đối tác. ASEAN ưu tiên một môi trường trung lập, an toàn để đối thoại và xây dựng lòng tin, chứ không phải đối đầu.
Tổ chức này tiếp cận các tranh chấp quốc tế một cách trung lập, không liên kết và hỗ trợ. ASEAN là một tổ chức hòa giải có uy tín và là “bạn của tất cả mọi người.”
Năm 2022 là một năm rất đặc biệt. Căng thẳng Mỹ-Trung và Mỹ-Nga đang ở mức cao nhất mọi thời đại do cuộc chiến ở Ukraine, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc để đáp trả chuyến thăm.
Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng đó, Trung Quốc, Nga và Mỹ đã ngồi lại cùng nhau trong AMM-55 và các cuộc họp liên quan để thảo luận về các vấn đề toàn cầu.
Tại sự kiện này, bầu không khí đối thoại cũng nổi lên khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin hối thúc một cuộc đối thoại vô điều kiện với Đại sứ Triều Tiên tại Indonesia trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Phnom Penh.
Việc thiết lập lại đường dây liên lạc giữa 2 miền Triều Tiên là rất quan trọng để xây dựng lòng tin.
Về vấn đề Biển Đông, các cuộc thảo luận văn bản cho Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đã được nối lại. Đồng thời, ASEAN tiếp tục cam kết làm trung gian đàm phán và hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar. ASEAN đã thể hiện sự lạc quan và đa phương hóa.
Chính sách đối ngoại ủng hộ chủ nghĩa đa phương của Campuchia
Chủ nghĩa đa phương cung cấp nền tảng vững chắc cho chính sách đối ngoại của Campuchia.
Phát biểu tại một cuộc họp cấp cao được triệu tập vào tháng 9 để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hợp quốc, với tiêu đề “Tương lai mà chúng tôi muốn, Liên hợp quốc chúng tôi cần: Tái khẳng định cam kết tập thể của chúng tôi đối với chủ nghĩa đa phương,” Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhấn mạnh: “Campuchia công nhận vai trò trung tâm của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu phức tạp mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Những thách thức này có liên quan với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua chủ nghĩa đa phương.”
Cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương của Campuchia có thể được nhìn thấy qua sự tham gia tích cực của nước này vào cấu trúc gìn giữ hòa bình đa phương của Liên hợp quốc.
Campuchia đã cử hơn 7.000 binh sỹ tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại một số quốc gia bị chiến tranh tàn phá kể từ năm 2006.
Hơn nữa, Campuchia đã thể hiện cam kết đối với chủ nghĩa đa phương với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) vào năm 2021.
ASEM là khuôn khổ đa phương lớn thứ 2 sau Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực và xuyên quốc gia.
Dưới sự chủ trì của Campuchia, ASEM cam kết đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế và khả năng phục hồi tài chính, đồng thời xây dựng một tương lai công bằng, bền vững và bao trùm hơn cho tất cả mọi người.
Năm 2022, Campuchia lần thứ 3 giữ cương vị chủ tịch ASEAN kể từ khi gia nhập vào năm 1999 và đã chọn “ASEAN A.C.T: Cùng nhau giải quyết thách thức” làm chủ đề cho ASEAN năm 2022.
Chủ đề này dựa trên thái độ chủ động và hợp tác, cởi mở, trung thực, thiện chí, đoàn kết và hòa hợp giữa các thành viên ASEAN để giải quyết các vấn đề chung, đạt được hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng cho tất cả các thành viên.
Chính sách đối ngoại của Campuchia luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.
Campuchia là một thành viên mang tính xây dựng và hữu ích của tổ chức khu vực mặc dù là thành viên trẻ nhất.
Việc Campuchia dũng cảm đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2002, chỉ sau 3 năm là thành viên chính thức, cho thấy cam kết chính trị mạnh mẽ của nước này đối với hội nhập khu vực và chủ nghĩa đa phương. Cam kết này đã được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn.
Mặc dù AMM-55 và các cuộc họp liên quan tại Phnom Penh đã phải đối mặt với một số thách thức, nhưng hội nghị lần này đã cố gắng thông qua thông cáo chung và các phiên họp diễn ra hấp dẫn và hiệu quả.
Do đó, sự cống hiến của Campuchia trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế thể hiện rõ ràng qua những nỗ lực và sự phối hợp của nước này với tư cách là chủ tịch ASEAN.
Campuchia đã thể hiện một cách ấn tượng về ngoại giao, kiến thức và năng lực trong việc chủ trì các cuộc họp, điều phối công việc chuẩn bị các tuyên bố và chú ý đến các chi tiết khác nhau như sắp xếp chỗ ngồi.
Kết quả là tất cả đại biểu trong các cuộc họp đã vui vẻ bắt tay, trò chuyện và đóng góp ý kiến cho thông cáo chung.
Trong các thời điểm xảy ra xung đột toàn cầu, rất khó để mọi người có cùng quan điểm và đưa ra một tuyên bố chung. Tuy nhiên, Campuchia có thể biến điều này thành hiện thực bằng cách duy trì sự tin cậy và khả năng kết nối.
Tóm lại, với sự ủng hộ và đoàn kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác quốc tế, Campuchia sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình và tăng trưởng bao trùm cho toàn khu vực, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ nghĩa đa phương và ASEAN là nền tảng của hòa bình và an ninh, và chúng là yếu tố quan trọng đối với các quốc gia nhỏ và các cường quốc bậc trung để cân bằng các mục tiêu quốc gia và toàn cầu.
Tinh thần chiến lược “cùng thắng lợi” và mang tính tham vấn nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết, xuất hiện từ AMM 55 và các cuộc họp liên quan, sẽ mang lại sự lạc quan cho một tương lai hòa bình và hợp tác./.