Chiều 21/9, Trường Đại học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) tổ chức tọa đàm chủ đề “Đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực các tỉnh Duyên hải miền Trung-Giới thiệu mô hình hợp tác hiệu quả với Australia.”
Đây là diễn đàn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác đào tạo giữa gần 20 trường đại học Australia và các trường đại học, cao đẳng ở tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu mô hình hợp tác hiệu quả giữa nhà trường-doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, cho biết với sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao và chuyển giao tri thức đa lĩnh vực, Trường Đại học Nha Trang hướng đến năm 2045 là đại học có thứ hạng cao của Việt Nam thuộc nhóm đầu các đại học ở châu Á về một số ngành khoa học-công nghệ biển và thủy sản.
Trong quá trình đó, nhà trường nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trên toàn thế giới, cùng nhau triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trường Đại học Nha Trang thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác đến từ Australia như Trường Đại học Southern Cross, Trường Đại học James Cook, Sunshine Coast, Tổ chức ACIAR.
“Chúng tôi đánh giá rất cao nền giáo dục phát triển của Australia và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên,” ông Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại chương trình, bà Rebecca Ball, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm nay là năm quan trọng, đánh dấu mốc 50 năm Quan ngoại Giao Việt Nam-Australia. Buổi tọa đàm hôm nay là cơ hội tốt tăng cường kết nối, xúc tiến hợp tác triển vọng giáo dục giữa các bên.
[Chương trình Học bổng Chính phủ Australia nhận hồ sơ từ hôm nay]
Tại tọa đàm, các đại biểu nghe báo cáo về phát triển nguồn nhân lực khu vực Duyên hải miền Trung, mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường, tìm hiểu cơ hội hợp tác liên kết đào tạo với Australia.
Ông Phạm Thanh Nhựt, Trường Đại học Nha Trang, trình bày về phát triển nguồn nhân lực ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khẳng định khu vực này có lĩnh vực khai thác thủy sản lớn, với khoảng 12.000 tàu (chiếm 40% cả nước), sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác được chế biến, xuất khẩu cao. Đặc biệt lĩnh vực du lịch với lợi thế về bãi biển, danh lam thắng cảnh, dịch vụ buồng phòng, khách sạn giúp các tỉnh đón trên đón lượng lớn du khách.
Năm 2022, hơn 30 triệu khách du lịch đến với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giúp các tỉnh thu về trên 61.000 tỷ đồng; đồng thời tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động… Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực cho khu vực luôn là vấn đề được trường đại học quan tâm. Nhà trường đào tạo đa ngành, đa bậc học, đa hình thức với các bậc đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Hằng năm, sinh viên tốt nghiệp các ngành học của trường có tỷ lệ việc làm cao, từ 78% trở lên.
Các đại biểu thảo luận giải pháp đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tại khu vực trên cơ sở mô hình hợp tác hiệu quả với đối tác Australia.
Ông Vương Vĩnh Hiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Sinh, tỉnh Khánh Hòa, nêu yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp với sinh viên, từ đó đưa ra giải pháp phối hợp giữa doanh nghiệp-nhà trường để cùng đào tạo, tạo việc làm cho sinh viên khi đang học và sau khi tốt nghiệp.
Các trường đại học nên khảo sát nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để xây dựng khung chương trình hợp lý. Doanh nghiệp thông tin thực tế về nhu cầu nhân lực của đơn vị, hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Quảng bá Giáo dục và Ẩm thực Việt Nam-Australia do Tổng lãnh sự quán Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ở Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa nhân kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Australia. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của Tổng Lãnh sự quán Australia diễn ra tại Khánh Hòa./.