Chiến thuật của ông Trump khi tăng ngân sách quốc phòng

Ngoài đối phó với Nga, Trung Quốc, mục tiêu chiến thuật tăng chí phí quốc phòng của ông Trump và “đảng Con Voi” là giành ưu thế cho đảng này trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp tới.
Chiến thuật của ông Trump khi tăng ngân sách quốc phòng ảnh 1Tàu sân bay Gerald Ford. (Nguồn: Navy Times)

Theo Đài Sputnik, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13/8 đã ký ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2019 với số tiền khoảng 716 tỷ USD, nhiều hơn ngân sách 2018 tới 3% (tương đương 20 tỷ USD).

Ngân sách này đặc biệt chú ý đến việc hiện đại hóa hầu hết các lực lượng quân đội, kể cả các lực lượng chiến lược.

Đánh giá về động thái này, chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế, đại tá Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc hứa hẹn gia tăng chi tiêu quốc phòng chỉ mang những mục tiêu chiến thuật đối với Tổng thống Trump.

Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia này giải thích, thứ nhất, việc tăng thêm chi phí quốc phòng 3% so với năm 2018 không phải là mức tăng quá lớn đối với quy mô của nền kinh tế Mỹ. Mức tăng này nằm trong khuôn khổ mức tăng chi phí quốc phòng Mỹ sao cho không chiếm quá 2% tổng ngân sách và không vượt quá 5% GDP. Đối với tổng GDP đến gần 18.000 tỷ USD/năm, chi phí quốc phòng 716 tỷ USD/năm không ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia khác của Mỹ.

Thứ hai, quan trọng hơn là mục tiêu giành lại thế thượng phong đã mất. Với chi phí quốc phòng lớn nhất thế giới nhưng lại bị thất thế ở Syria, sa lầy ở Afghanistan, “đứng nhìn” hai miền Triều Tiên “xích lại gần nhau," không kiểm soát nổi nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới cho thấy ngân sách quốc phòng của Mỹ được sử dụng kém hiệu quả, nếu không nói là rất lãng phí.

Do đó, việc ông Trump tuyên bố ngân sách đó dùng để đóng tàu chiến mới (trước mắt là hoàn thiện tàu sân bay Gerald Ford), để mua máy bay mới như F-35 cũng chỉ là những giải pháp đối phó với sự thách thức vai trò quân sự-chính trị trên thế giới của Nga và Trung Quốc, điều mà Washington đã không thể đạt được tại Syria và Trung Đông.

Cuối cùng, mục tiêu chiến thuật của ông Trump và “đảng Con Voi” là giành ưu thế cho đảng này trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp tới. Trong trường hợp này, các giới tài phiệt Mỹ chi phối hệ thống truyền thông đã liên tiếp tung ra những thông tin về sự đe dọa của các vũ khí mới của Nga, Trung Quốc và một phần nào đó từ Triều Tiên và Iran, từ đó, thúc đẩy tâm lý bất an trong xã hội Mỹ, buộc chính quyền phải có những cam kết đảm bảo an toàn cho nước Mỹ.

Từ đó, chính quyền Mỹ buộc phải có những biện pháp mua sắm vũ khí mới. Và do đó, đây là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho các tập đoàn công nghiệp sản xuất phương tiện chiến tranh của Mỹ. Những thủ đoạn này đã từng lặp đi lặp lại suốt vài thế kỷ tồn tại của nước Mỹ. Nó không hề lạ lẫm trong tuyên bố của ông Trump.

[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng 716 tỷ USD]

Trả lời câu hỏi liệu tuyên bố của ông Trump sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ với các nước khác, bao gồm cả Nga hay không, chuyên gia này cho rằng Nga không hề lạ lẫm với tuyên bố của Tổng thống Trump về ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ít nhất Tổng thống Vladimir Putin và bộ tham mưu của ông cũng đã quá quen với những biến động “lá mặt, lá trái” của chính quyền Mỹ mà ông Trump là tổng thống Mỹ thứ ba mà họ phải đối mặt.

Tuy nhiên, dù là tổng thống Mỹ nào đi nữa thì ngay trong thời điểm hiện tại, ông Putin và bộ tham mưu của ông cũng hiểu rằng nước Mỹ đang đối mặt với ba sự phá sản lớn.

Một là sự phá sản về kinh tế nội địa khi nền sản xuất nội địa của Mỹ đã “tụt hậu” hàng chục năm do dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài. Đây là “lỗi” của kẻ thích dùng tiền để nâng cao đời sống chứ không dùng tiền để phát triển sản xuất. Nói nôm na là của kẻ thích mua cá để ăn chứ không chịu sắm cần câu cá. Đó là hậu quả của một chuỗi chính sách theo đuổi lợi nhuận phi sản xuất nội địa của nền kinh tế Mỹ.

Hai là sự phá sản về kinh tế đối ngoại khi dựng lên hàng rào bảo hộ bằng thuế quan nhằm yểm trợ cho nền sản xuất trong nước. Hệ lụy của điều này là những người lao động Mỹ sẽ phải chịu thu nhập ít hơn (do giá thành sản xuất phải giảm kéo theo tiền lương giảm). Đây sẽ là một sự bất an tiềm tàng trong xã hội Mỹ.

Ba là sự phá sản trong chiến lược toàn cầu mà Mỹ đang tự cho mình đóng vai trò dẫn đầu. Sự dẫn đầu của Mỹ là một “sự dẫn đầu ảo” chỉ dựa trên đồng USD mà chỉ có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là nơi duy nhất có quyền in ấn. Một khi các nước trao đổi với nhau bằng dòng tiền của mình mà “phớt lờ” USD thì sự dẫn đầu của Mỹ thông qua "đồng bạc xanh" sẽ kết thúc.

Tất nhiên là người Mỹ còn nhiều biện pháp để cứu vãn vai trò “đứng đầu thế giới” của họ. Song với sự trưởng thành bất chấp cấm vận đối với nền kinh tế Nga cũng như nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, nền EU, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế lớn khác, thời kỳ thống trị của đồng USD sớm muộn sẽ kết thúc. Và vì thế, việc ông Trump mua thêm vũ khí chẳng thể giải quyết được việc gì ngoài việc của một gã cowboy Mỹ với lời nguyền: “Đã chết thì tất cả sẽ cùng chết!"

Cuối cùng, chuyên gia bình luận việc Mỹ tăng ngân sách cho quốc phòng là sự bị động trước sự phát triển mọi mặt của Nga và Trung Quốc mà Washington đang cố hết sức ngăn chặn nhưng không hiệu quả. Dù Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, nhưng trong thời đại hiện nay, những thứ đó không còn là thứ để cho Mỹ có thể dễ dàng sai khiến các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.