Chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan: Từ giả thuyết đến thực tế

Hiện mỗi nước có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 200 đầu đạn hạt nhân vào năm 2025.

Hãng tin AFP đưa: "Đó là vào năm 2025 và các phiến quân tấn công Quốc hội Ấn Độ, giết chết hầu hết các nhà lãnh đạo của nước này.

New Delhi trả đũa bằng cách điều xe tăng đến khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Lo sợ điều này, Islamabad tấn công các lực lượng xâm lược bằng các loại vũ khí hạt nhân chiến trường, gây ra cuộc xung đột nguy hiểm nhất trong lịch sử."

Kịch bản này đã được các nhà nghiên cứu mô tả trong một bài báo mới đây, cho rằng hơn 100 triệu người sẽ chết lập tức, dẫn đến nạn đói toàn cầu khi hàng triệu tấn muội đen dày đặc ngăn ánh sáng Mặt Trời trong một thập kỷ.

Nó diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trở lại giữa hai đối thủ Nam Á, họ đã có vài cuộc chiến tranh giành lãnh thổ Kashmir, nơi đa số Hồi giáo sinh sống và nhanh chóng xây dựng kho vũ khí nguyên tử của mình.

Hiện mỗi nước có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 200 đầu đạn hạt nhân vào năm 2025.

Ông Alan Robock, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Rutgers, nói với hãng tin AFP: "Thật không may, tới giờ Ấn Độ và Pakistan vẫn xung đột về Kashmir và hàng tháng bạn có thể nghe tin về những người thiệt mạng dọc biên giới."

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng Tám vừa qua đã hủy bỏ quyền tự trị của phần Kashmir do New Delhi kiểm soát, trong khi đó người đồng cấp Pakistan Imran Khan cảnh báo tại Liên hợp quốc hồi tuần trước rằng cuộc xung đột có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Lần cuối cùng hai nước xung đột biên giới là hồi tháng Hai vừa qua, nhưng họ đã thoát khỏi “bờ vực chiến tranh” sau khi Pakistan trao trả phi công cho New Delhi.

Ấn Độ không có “chính sách tấn công phủ đầu,” nhưng họ có quyền thực hiện phản ứng hạt nhân đối với bất kỳ cuộc tấn công nào bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

[Lính Ấn Độ và Pakistan lại đấu súng dữ dội ở khu vực Kashmir]

Pakistan tuyên bố họ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không thể ngăn chặn một cuộc xâm lược bằng các biện pháp thông thường hoặc bị tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Chết đói hàng loạt

Dựa trên dân số hiện tại của hai nước và các trung tâm đô thị là nơi sẽ bị nhắm mục tiêu, các nhà nghiên cứu ước tính 125 triệu người có thể sẽ bị chết nếu hai nước sử dụng phần lớn vũ khí tối tân nhất của họ.

Khoảng 75 triệu đến 80 triệu người đã bị chết trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Kịch bản cực đoan nhất này sẽ liên quan đến việc sử dụng 100.000 tấn vũ khí, mạnh hơn gấp 6 lần so với các quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Vụ nổ từ một quả bom như vậy có thể giết chết 2 triệu người và làm thương 1,5 triệu người khác - nhưng hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra là do những cơn bão lửa khủng khiếp hình thành sau đó.

Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại và thương vong cao gấp hai lần so với Pakistan bởi vì theo kịch bản này, Pakistan sẽ sử dụng nhiều vũ khí hơn so với Ấn Độ và bởi vì Ấn Độ có dân số đông hơn với những thành phố đông đúc.

Nhưng “cuộc phán xét cuối cùng bằng hạt nhân” sẽ chỉ là sự khởi đầu. Nghiên cứu cho thấy rằng bão lửa có thể giải phóng từ 16 triệu đến 36 triệu tấn bồ hóng (carbon đen) vào bầu khí quyển, lan rộng khắp thế giới trong nhiều tuần.

Các muội than sau đó sẽ hấp thụ bức xạ Mặt Trời, làm nóng không khí và đẩy khói lên cao. Ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất sẽ giảm từ 20% đến 35%, làm mát bề mặt từ 3,6 đến 9 độ F (2 đến 5 độ C) và làm giảm lượng mưa từ 15% đến 30%.

Tình trạng thiếu lương thực trên toàn thế giới sẽ xảy ra, với những ảnh hưởng kéo dài đến một thập kỷ.

"Tôi hy vọng công việc của chúng tôi sẽ khiến mọi người nhận ra bạn không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, chúng là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt," ông Robock nói với hãng tin AFP và cho rằng nghiên cứu này có thể là bằng chứng để củng cố cho Hiệp ước của Liên hợp quốc về cấm thử vũ khí hạt nhân năm 2017.

Còn ông Johann Chacko, nghiên cứu sinh Đại học SOAS ở London, nói rằng nghiên cứu này sẽ "giúp cộng đồng quốc tế đánh giá chi phí của chiến tranh hạt nhân cho tất cả mọi người, không chỉ đối với các quốc gia tham chiến," đặc biệt là các tác động khí hậu của nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.