Chiều hướng các nước siết dần quy định với các đại gia công nghệ

Có những quan ngại gia tăng về việc các "ông lớn" công nghệ như Google, Amazon bóp méo tính trung lập của công cụ tìm kiếm khi hiển thị kết quả tìm kiếm có lợi cho một số sản phẩm, dịch vụ nhất định.
Ảnh minh họa. (Nguồn: sudouest.fr/)

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình lên Quốc hội một dự luật mới nhằm cho phép các cơ quan chức năng nước này yêu cầu 4 tập đoàn công nghệ của Mỹ gồm Google LLC, Apple Inc., Facebook Inc. và Amazon.com Inc (gọi chung là GAFA) và các công ty kinh doanh kỹ thuật số khác phải tiết lộ quy tắc hiển thị kết quả tìm kiếm.

Ngoài ra, Nhật Bản đang tìm cách yêu cầu các công ty công nghệ phải định kỳ báo cáo về việc họ đang quản lý các trang web của mình như thế nào và hy vọng mở rộng phạm vi các quy định quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến có liên quan tới các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có những quan ngại đang gia tăng về việc các "ông lớn" công nghệ như Google và Amazon bóp méo tính trung lập của công cụ tìm kiếm khi hiển thị kết quả tìm kiếm có lợi cho một số sản phẩm và dịch vụ nhất định.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua đề cương dự luật mới vào ngày 12/11 và dự kiến sẽ đệ trình lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên vào năm 2020.

[Vì sao các đại gia công nghệ chi lớn hoạt động chính trị địa phương?]

Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Mặc dù dự luật mới sẽ yêu cầu (các công ty xây dựng nền tảng kỹ thuật số) cải thiện sự minh bạch trong các giao dịch thông qua việc tiết lộ các thông tin như lý do từ chối làm ăn (với những công ty nhất định), các quy định mới vẫn sẽ tôn trọng quyền tự quản của các công ty điều hành nhằm tránh cản trở sự sáng tạo."

Cùng ngày, một nhóm công tác của Chính phủ Nhật Bản đã trao đổi quan điểm về dự luật trên với các quan chức cao cấp của GAFA. Tại đó, đại diện Amazon đã bày tỏ quan ngại trước yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về hoạt động kinh doanh, trong khi đại diện Facebook cho rằng một số quy định trong dự luật mới của Nhật Bản chặt chẽ hơn so với các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Liên quan tới vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ sửa luật bảo vệ thông tin cá nhân hiện hành nhằm cho phép các cá nhân có thể yêu cầu các công ty kỹ thuật số xóa hoặc đình chỉ việc sử dụng dữ liệu của mình. Luật hiện hành chỉ quy định vấn đề xử lý dữ liệu thu thập bằng các phương pháp bất hợp pháp.

Tuy vậy, Nhật Bản không phải nền kinh tế duy nhất siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp công nghệ. Trước đó, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU Margrethe Vestager ngày 7/11 đánh giá nỗ lực quốc tế nhằm đánh thuế hợp lý hơn đối với Google và Facebook đã đạt được kết quả đáng ngạc nhiên.

Trả lời báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh web ở Lisbon, Bồ Đào Nha, bà Vestager cho rằng sự tiến triển trong vấn đề thuế kỹ thuật số đã diễn ra nhanh chóng và bao phủ ở cấp độ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và cho biết thêm đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài châu Âu.

Dư luận đang kỳ vọng từ nay đến tháng 6/2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ phê duyệt một đề xuất của OECD nhằm tìm kiếm một thỏa thuận đánh thuế đối với các "đại gia" công nghệ toàn cầu. Nếu đạt được, thỏa thuận này sẽ vượt qua các rào cản lớn, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia có thuế suất thấp như Ireland hoặc Luxembourg, nơi nhiều hãng công nghệ tên tuổi lớn đặt trụ sở.

Theo Pascal Saint-Amans, nhà đàm phán hàng đầu của OECD về thuế, thật khó để tạo ra những thay đổi cơ bản trong một thời gian ngắn như vậy mà không có sai sót. Tuy nhiên, nhà đàm phán cho rằng điều đó là khả thi vì có quá nhiều áp lực chính trị từ các quốc gia. Chủ đề này mang rất nhiều màu sắc chính trị và tất cả đều không muốn chờ đợi thêm nữa.

Cuộc chạy đua để tìm ra giải pháp đang trở nên cấp bách khi sự phẫn nộ của công chúng bùng nổ vì sự dịch chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, điều mà những người chỉ trích cho rằng các chính phủ bị tước đoạt phần thuế lẽ ra được hưởng của mình.

Những "gã khổng lồ" công nghệ với lợi nhuận cao chót vót bị buộc tội trốn thuế tại các quốc gia, nơi mà họ bị cho là chuyển nguồn thu nhập khổng lồ sang các nước có thuế suất thấp.

Năm ngoái, Ireland, được hỗ trợ bởi Thụy Điển và Đan Mạch, đã phản đối nỗ lực của EU trong việc soạn thảo quy định về thuế kỹ thuật số châu Âu, đồng thời khẳng định rằng một giải pháp rộng hơn của OECD là cách tốt nhất.

Đề xuất của OECD - được đàm phán bởi 134 quốc gia - có ý định tái phân bổ một số nguồn lợi nhuận và quyền đánh thuế cho các quốc gia, nơi các công ty kỹ thuật số hoạt động kinh doanh, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu. Các quy tắc mới muốn các công ty như vậy sẽ bị đánh thuế ở những nơi họ tiến hành kinh doanh ngay cả khi các thực thể trên không có sự hiện diện cơ sở vật chất tại địa bàn, vốn là một thực tế ngày càng tăng trong thời đại kỹ thuật số.

Nhiều quốc gia đã đề xuất mức thuế riêng, và Pháp là nước mạnh mẽ nhất với việc tự áp đặt mức thuế, điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trả đũa bằng thuế quan đối với rượu vang Pháp.

Mới đây, trong dự thảo ngân sách năm 2020 gửi tới Ủy ban châu Âu xem xét, phê chuẩn, Italy cho biết nước này sẽ đánh thuế các "gã khổng lồ" công nghệ như Amazon, Google…

Truyền thông Italy dẫn các báo cáo cho biết mức thuế 3% sẽ được áp đặt với các công ty có doanh số hàng năm trên 750 triệu euro (830 triệu USD), trong đó ít nhất 5,5 triệu euro đến từ các dịch vụ được cung cấp tại Italy. Theo tính toán của Bộ Tài chính Italy, quy định mới này của Chính phủ Italy sẽ mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 600 triệu euro mỗi năm tính từ năm 2020.

Trước đó, ngày 11/7, Pháp trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới áp thuế đối với các "đại gia" công nghệ, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu mở cuộc điều tra về kế hoạch này của Paris. Theo luật thuế GAFA, Paris sẽ đánh thuế 3% đối với tổng doanh thu hàng năm của các công ty công nghệ lớn đang cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng tại Pháp.

Vương quốc Anh mới đây cũng công bố các kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ lớn với cáo buộc các công ty này lách luật nhằm giảm các khoản thuế phải nộp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục