Chile có thể trở thành cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nam Mỹ

Đại sứ quán Việt Nam tại Chile nhận định có thể tận dụng tốt vai trò trung tâm logistic của Chile ở Nam Mỹ để giảm chi phí vận chuyển và thời gian cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường khu vực này.
May mũ giầy thể thao tại Công ty Trường Xuân thuộc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Chile Phạm Trường Giang nêu rõ với việc hai nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và cả hai đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thông qua thị trường Chile, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nam Mỹ.

Đại sứ Phạm Trường Giang nhấn mạnh Chile là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên mà Việt Nam ký FTA.

Khi chưa có FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều chỉ đạt gần 500 triệu USD/năm và Việt Nam luôn là nước nhập siêu. Từ khi FTA có hiệu lực tháng 1/2014, Việt Nam đã xuất siêu sang Chile và tiếp tục nâng thặng dư thương mại ngày càng lớn.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn nhất ASEAN vào Chile. Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm đạt 1,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 1,38 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2021.

Mặc dù Chile chỉ có 19 triệu dân nhưng hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ Latinh.

Một điểm thuận lợi là các mặt hàng của Việt Nam và Chile có tính bổ sung cho nhau, do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu nguyên vật liệu để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thành phẩm, hàng hóa tiêu dùng sang Chile.

Thế mạnh của Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu được các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, hàng may mặc và điện tử. Với FTA song phương, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều hưởng thuế suất ưu đãi khi vào thị trường Chile.

Thị trường Chile có nhu cầu cao về các mặt hàng thiết yếu này nhưng nhân lực sản xuất lại rơi vào tình trạng dân số già nên điều kiện phát triển còn hạn chế.

Bên cạnh đó, đời sống người dân Chile trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể dẫn đến sức mua khá cao. Do đó, cơ hội rất lớn cho các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài ra, Chile chưa từng áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

[FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng]

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Đại sứ Phạm Trường Giang, hàng hóa Việt Nam vẫn phải cạnh tranh nhiều với hàng giá rẻ từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và các nước trong khu vực như Peru, Paraguay, Uruguay, Colombia...

Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải lớn, thời gian vận chuyển dài, ngôn ngữ đặc thù tiếng Tây Ban Nha... cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.

Xác định ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, Đại sứ quán đã hỗ trợ và ủng hộ các doanh nghiệp Chile trong việc thành lập Phòng Thương mại Chile-Việt Nam, đi vào hoạt động năm 2018 nhằm tạo cơ chế hợp tác mới để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Sản xuất quần áo tại Công ty TNHH May mặc Dony. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đại sứ quán cũng thường xuyên tham gia các sự kiện thương mại lớn tại Chile để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm các đối tác nhập khẩu Chile, đồng thời kết nối và giữ mối quan hệ thân thiết với các tập đoàn bán lẻ lớn của Chile tại Mỹ Latinh như Falabella, Cencosud... để xúc tiến các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vào Chile và các nước Mỹ Latinh.

Theo Đại sứ Phạm Trường Giang, Việt Nam và Chile có nền tảng quan hệ chính trị-ngoại giao hữu nghị truyền thống; nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Chile có ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm về đất nước, con người Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác ngoại giao kinh tế tại Đại sứ quán và Thương vụ thông thạo ngôn ngữ và văn hóa nước sở tại, giúp cho việc nghiên cứu và tham mưu các chính sách phát triển thị trường được chính xác và thực tế hơn.

Ngoài ra, thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Chile, Đại sứ cảm nhận họ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và ASEAN để đa dạng đối tác.

Tuy nhiên, Đại sứ thừa nhận vẫn có những quy định chưa thật tương đồng giữa hai nước về giấy phép xuất nhập khẩu, chứng thực nguồn gốc sản phẩm khiến cho hoạt động giao thương chưa thể đạt được như kỳ vọng.

Ngoài ra, việc phản hồi, phối hợp xử lý tranh chấp thương mại của các cơ quan trong nước thường gián đoạn, kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, hình ảnh của môi trường hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam.

Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tăng cường và đa dạng hóa quảng bá thương hiệu Việt thông qua trang thông tin mạng, tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại các hệ thống bán lẻ, hệ thống siêu thị lớn tại Chile...

Đại sứ quán cũng tiến hành khảo sát sâu hơn hai khu mậu dịch tự do phía Bắc và phía Nam Chile để tận dụng tốt vai trò trung tâm logistic của nước này ở Nam Mỹ, giảm chi phí vận chuyển và thời gian cho hàng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực Chile rất quan tâm và có nhiều thế mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục