Ngày 26/11, người đứng đầu phái đoàn Chile trong vụ tranh chấp chủ quyền với Bolivia tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) José Miguel Insulza đề xuất Chile sẽ tiến hành đối thoại trực tiếp với Bolivia nếu nước này rút đơn kiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, sau buổi làm việc với Chủ tịch Thượng viện Patricio Walker, ông Insulza nhấn mạnh việc quay lại bàn đàm phán với Bolivia cần phải được thực hiện theo cách “chính thức nhất có thể.”
Ông Insulza và Chủ tịch Thượng viện Walker đã thống nhất quan điểm với Bộ Ngoại giao Chile về chiến lược trong giai đoạn hai của vụ kiện hiện nay với Bolivia tại ICJ.
Cũng theo ông Insulza, Chile cần thể hiện và khẳng định là một quốc gia dân chủ, cởi mở và có tinh thần hội nhập khu vực, mong muốn có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.
Ông nhấn mạnh vụ tranh chấp này là vấn đề song phương giữa Chile và Bolivia và chưa bị đa phương hóa, bởi cho tới giờ chưa có quốc gia nào bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi này giữa Chile và Bolivia.
Trước đó, ông Insulza - nguyên Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), nguyên Ngoại trưởng, phụ trách Phủ Tổng thống và Nội vụ của Chile - khẳng định chưa bao giờ đề xuất nhường một đường ra biển có chủ quyền đi qua lãnh thổ nước này cho quốc gia láng giềng mà chỉ đưa ra ý tưởng xem xét lại những đề xuất từ thời Tổng thống Ricardo Lagos (2000-2006) liên quan tới vụ việc.
Hôm 23/11, ông Insulza được Tổng thống Michelle Bachelet bổ nhiệm làm đại diện của nước này trong tranh chấp pháp lý trước yêu cầu của Bolivia về một đường ra biển có chủ quyền, thay thế ông Felipe Bulnes, người đã xin rút lui khỏi giai đoạn pháp lý mới với lý do có quá nhiều ý kiến khác nhau trong cuộc tranh cãi này.
Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400km bờ biển và 120.000km2 các tỉnh duyên hải của mình vào tay Chile.
Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đất đã mất, tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về cách diễn giải các điều khoản này.
Tháng 4/2013, Bolivia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho vấn đề đường ra biển của La Paz, nhưng Santiago đã từ chối công nhận quyền phán quyết của cơ quan quốc tế trên với lập luận vấn đề này đã được giải quyết bằng Hiệp ước 1904.
Tuy nhiên sau phiên giải trình miệng hồi tháng 5 vừa qua, ICJ đã bác lập luận của Chile về vấn đề thẩm quyền phán quyết của cơ quan này./.