Ngày 11/10, Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán về một “đường ra biển khả quan hơn” cho Bolivia, tuy nhiên nhấn mạnh sẽ không động chạm tới vấn đề “chủ quyền” vì cho rằng đề tài này “không dẫn tới đâu.”
Ông Muñoz cho rằng: “Một lần nữa tranh luận vấn đề chủ quyền đồng nghĩa với việc đưa hai nước trở lại lập luận của thế kỷ 19 và phải nối lại cuộc thảo luận về tất cả nội dung Hiệp ước (hòa bình 1904) cũng những những thiệt hại của Bolivia và đây là điều không dẫn tới đâu trong một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.”
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Chile nhắc lại Santiago từng tạo thuận lợi cho việc Bolivia tiếp cận đường biển với việc cho phép sử dụng diện tích rộng 3,7ha tại khu vực Arica của Chile cho đường ống dẫn dầu Arica-Sica Sica (Bolivia).
Theo ông Muñoz, bàn thảo về cách thức cải thiện cách tiếp cận biển thực tế của Bolivia và tìm ra những giải pháp khả thi mà không thay đổi thực trạng về chủ quyền là điều hợp lý vào thời điểm này.
Ngoại trưởng Muñoz cũng bình luận rằng việc La Paz đưa tranh cãi giữa hai nước về đường ra biển ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) “làm chia rẽ thêm hai quốc gia và xóa bỏ cảm tình vốn có.
Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400km bờ biển và 120.000km2 các tỉnh duyên hải của mình vào tay Chile.
Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đất đã mất, tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về cách diễn giải các điều khoản này.
Tháng 4/2013, Bolivia đã đệ đơn lên ICJ yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho vấn đề đường ra biển của La Paz, nhưng Santiago đã từ chối công nhận quyền phán quyết của cơ quan quốc tế trên với lập luận vấn đề này đã được giải quyết bằng Hiệp ước 1904. Tuy nhiên sau phiên giải trình miệng hồi tháng Năm vừa qua, ICJ đã bác lập luận của Chile về vấn đề thẩm quyền phán quyết của cơ quan này.
Do vụ tranh chấp trên, Bolivia và Chile không có quan hệ ngoại giao từ năm 1962 (trừ giai đoạn 1975-1978), mặc dù vẫn duy trì Tổng lãnh sự quán của mỗi nước tại Santiago và La Paz./.