Chile phát hiện hóa thạch bò sát biển khổng lồ thuộc kỷ Jura

Các nhà nghiên cứu chỉ có thể xác định được giới tính của mẫu hóa thạch pliosaur vừa được phát hiện tại Chile sau khi thu thập được đầy đủ hộp sọ và vây hoàn chỉnh.
Các nhà khảo cổ học Chile tìm kiếm các mẫu hóa thạch trên sa mạc Atacama. (Nguồn: Laprensalatina)

Ngày 23/9, các nhà khoa học Chile cho biết đã phát hiện trên sa mạc Atacama hóa thạch của pliosaur, một loài bò sát đại dương sống tại kỷ Jura khoảng 160 triệu năm trước đây và có sức cắn mạnh hơn khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex.

Đây là hóa thạch pliosaur đầu tiên được tìm thấy ở quốc gia Nam Mỹ này.

Các mẫu hóa thạch này, bao gồm các mảnh xương hàm, răng và xương vây được tìm thấy tại hai địa điểm khác nhau nằm ở lưu vực sông Loa, cách thành phố Calama của Chile khoảng 20km về phía Tây, một khu vực mà 160 triệu năm trước đây gần như nằm hoàn toàn trong Thái Bình Dương.

Theo nhà cổ sinh vật học Rodrigo Otero thuộc Đại học Chile, trưởng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra mẫu vật trên, hóa thạch hoàn chỉnh phải dài từ 6 đến 7m với hộp sọ dài khoảng 1m và những chiếc răng hình quả ớt dài từ 8 đến 10cm.

Ông Otero cho biết thêm các nhà nghiên cứu chỉ có thể xác định được giới tính của mẫu hóa thạch pliosaur vừa được phát hiện sau khi thu thập được đầy đủ hộp sọ và vây hoàn chỉnh. Loài vật này có hộp sọ lớn với đầu thuôn dài, hàm răng rất chắc khỏe.

[Guinness công nhận hóa thạch trứng khủng long ở Nhật nhỏ nhất thế giới]

Cơ thể của loài này có dạng thủy động và các chi của chúng thích nghi với dạng cơ thể như vây.

Pliosaur là loài bò sát biển săn mồi khổng lồ ngự trị ở các vùng biển thuộc kỷ Jura. Một số cá thể loài này có thể có kích thước lên tới 15m và nặng hàng chục tấn.

Chúng được cho là những kẻ săn mồi lớn nhất thế giới thời tiền sử với khả năng ăn thịt bất kỳ loài sinh vật nào sống ở biển và cả những động vật trên cạn khi đến gần khu vực sinh sống của chúng để tìm thức ăn. Những con pliosaur lớn đến mức có thể giết và ăn thịt các con khủng long bạo chúa.

Cũng theo ông Otero, sự đa dạng của các loài động vật nêu trên đã gợi ra giả thuyết rằng trong quá khứ đã tồn tại một hành lang biển, được gọi là "Hành lang Caribe," kết nối hệ động vật của Biển Tethys (Bắc Đại Tây Dương ngày nay) với hành lang của Thái Bình Dương cổ đại trong kỷ Jura, khoảng thời gian mà một phần lãnh thổ Chile bị nhấn chìm trong biển và Nam Mỹ vẫn còn là một phần của siêu lục địa Gondwana (bao gồm châu Nam Cực, Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, bán đảo Arab, Australia-New Guinea và New Zealand)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục