Ngày 18/5, một nhóm nhà khảo cổ học thuộc Viện Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina cho biết đã khai quật hóa thạch có niên đại 70 triệu năm của một con khủng long thuộc chi megaraptor. Đây là một trong những con khủng long ăn thịt cuối cùng trên Trái Đất.
Theo các nhà khoa học, hóa thạch trên được tìm thấy ở tỉnh Santa Cruz, miền Nam Argentina, hồi giữa tháng 3/2020.
Với chiều dài lên tới 32m, đây là hóa thạch của một con “quái vật” săn mồi tồn tại từ cuối “kỷ khủng long” (trải dài từ kỷ Tam Điệp cách đây 243 triệu năm cho đến khi tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 65,8 triệu năm trước).
Theo nhà khảo cổ phụ trách nhóm khai quật Fernando Novas, đây có thể là một trong những cá thể đại diện cuối cùng của loài khủng long trên Trái Đất.
[Phát hiện hóa thạch khủng long 96 triệu năm trước tại Australia]
Không giống như loài khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex), loài megaraptors (tiếng Hy Lạp có nghĩa “kẻ trộm khổng lồ”) có hình thể thon gọn, tứ chi cơ bắp và thon dài, đuôi dài, để chạy nhanh hơn và giữ thăng bằng tốt hơn.
Đặc điểm của chúng là chi trước rất dài và bộ móng vuốt dài khoảng 40cm, giúp loài megaraptor thành những tay săn mồi thiện xạ.
Argentina được mệnh danh là “nghĩa địa khủng long.” Nhiều hóa thạch với niên đại thuộc kỷ Tam Điệp, kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng được tìm thấy tại quốc gia Nam Mỹ này chưa từng xuất hiện ở bán cầu Bắc.
Năm 2019, các nhà khoa học Argentina đã phát hiện một nghĩa địa khủng long có ít nhất 10 bộ xương hóa thạch với niên đại khoảng 220 triệu năm tại tỉnh miền Tây San Juan./.