Chile trở thành 'nhà vô địch' về tiêm vaccine như thế nào?

Từ một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch, Chile giờ lại đang nằm trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Chile trở thành 'nhà vô địch' về tiêm vaccine như thế nào? ảnh 1Hệ thống y tế Chile thường xuyên bị quá tải trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ khi dịch bệnh COVID-19 "tấn công" Mỹ Latinh, Chile trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực này. Vào thời điểm đó, nhà chức trách Chile đã chịu nhiều sự chỉ trích vì đã không thể kịp thời truy vết và cách ly những người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, gần một năm sau khi COVID-19 càn quét qua Chile, quốc gia này lại đang trở thành "nhà vô địch" về tiêm chủng, với tỷ lệ người được tiêm chủng hàng đầu thế giới. Theo số liệu của trang thống kê Ourworldindata, tính đến ngày 14/3, Chile đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với trung bình 100 người dân thì có 1.46 người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Theo các quan chức chính phủ và chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến thành công của Chile là nhờ những nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ngay từ khi dịch bệnh mới lây lan, cùng với đó là những kinh nghiệm trong quá khứ về tiêm chủng quy mô lớn.

Trong những tháng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, hầu như các tin tức về Chile đều là những hình ảnh về các bệnh viện chật kín bệnh nhân, trong khi chính phủ không thể kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 dù đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, một câu chuyện diễn ra cùng lúc mà ít được nhắc đến, đó là chính phủ Chile đã nhanh chóng đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để đảm bảo người dân nước này sẽ được tiêm chủng trong thời gian sớm nhất có thể.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Bộ trưởng Khoa học Chile Andres Couve cho biết chính phủ nước này đã chính thức đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất vaccine ngay từ tháng 4/2020, chỉ khoảng 1 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Cho đến tháng sau đó, một nhóm chuyên gia và quan chức chính phủ đã trình lên Tổng thống Sebastian Pinera một kế hoạch về chương trình tiêm chủng. Trong đó, Chile sẽ tận dụng hệ thống thỏa thuận thương mại mà nước này đã có, cùng với đó là những mối liên hệ với các hãng dược phảm để giúp nước này nhanh chóng có vaccine ngay khi hoàn tất quá trình nghiên cứu và được cấp phép. Một để xuất khác là đưa Chile trở thành nơi để các hãng dược phẩm tiến hành thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine.

[Đại dịch COVID-19 đẩy Mỹ Latinh chìm sâu hơn vào tình trạng nợ nần]

Một trong những người có đóng góp quan trọng nhất là chuyên gia hóa sinh Alexis Kalergis - Giám đốc Viện Miễn dịch học và Liệu pháp miễn dịch Milenio tại Đại học Công giáo Chile. Hồi tháng 10/2019, ông Kalergis cùng hai cộng sự đã đến Bắc Kinh (Trung Quốc) để tham gia một hội thảo về miễn dịch.

Tại đây, Tiến sỹ Kalergis đã gặp gỡ các chuyên gia làm việc tại công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech (sau này trở thành một trong những nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc). Ông Kalergis đã đề cập với đại diện Sinovac về vấn đề nghiên cứu, phát triển vaccine.

Đến đầu năm 2020, sau khi Trung Quốc thông báo phát hiện loại virus lạ và sau đó cả thế giới phải đối đầu với dịch bệnh COVID-19, ông Kalergis đã nhanh chóng liên hệ ngay với các đồng sự tại Sinovac. Không lâu sau đó, ông Kalergis và các chuyên gia ở Đại học Công giáo Chile đã đưa ra một kế hoạch chi tiết về vấn đề vaccine để sẵn sàng trình lên chính phủ.

Lãnh đạo Đại học Công giáo Chile đã tiếp cận Bộ trưởng Y tế và Ngoại trưởng Chile để trình bày đề xuất về những nỗ lực đàm phán với Sinovac cũng như việc đưa Chile trở thành nơi công ty Trung Quốc này tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Giới chức Chile đã nhất trí với kế hoạch này và bắt đầu các nỗ lực ngoại giao.

Đến tháng 6/2020, khi nhiều quốc gia đang vật lộn với đại dịch, Chile đã vượt qua các quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latinh để trở thành nước đầu tiên ký hợp đồng với Sinovac, giúp nước này sở hữu được những liều vaccine đầu tiên ngay sau khi được cấp phép.

Hồi tháng 12/2020, Chile đã trở thành một trong những nơi được Sinovac lựa chọn để tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Chile khẳng định quá trình thử nghiệm đã thành công, song không công bố rõ chi tiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Chile phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế và là một trong những nhà đàm phán hàng đầu với các hãng sản xuất vaccine, ông Rodrigo Yanez cho biết Chính phủ Chile ngay từ đầu đã nhận ra rằng họ phải làm việc với nhiều hãng dược phẩm khác nhau.

Do đó, ngoài Sinovac, các hãng dược phẩm khác như AstraZeneca, Janssen (hãng con của Johnson & Johnson) và CanSino cũng đã tiến hành thử nghiệm vaccine tại Chile. Chính phủ Chile không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thử nghiệm này.

Từ tháng 12/2020, Chile đã nhận khoảng 21.000 liều vaccine từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ, song con số này thấp hơn nhiều so với cam kết ban đầu. Số vaccine này đã được sử dụng ngay lập tức cho đội ngũ y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Đến cuối tháng 1/2021, Chile đã nhận 4 triệu liều vaccine đầu tiên từ Sinovac để có thể đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng. Chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn bắt đầu từ tháng 2/2021 và gần như mỗi ngày nước này đều tiêm được hơn 100.000 liều vaccine.

Cho đến nay, Chile vẫn đang đạt tỷ lệ tiêm chủng nằm trong top đầu của thế giới và là "vô địch" ở khu vực Mỹ Latinh với khoảng 25% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine, bỏ xa nước đứng sau đó là Brazil với chỉ khoảng 5%./.

Chile trở thành 'nhà vô địch' về tiêm vaccine như thế nào? ảnh 2Giới chức Chile tìm đến Sinovac ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục