Ngày 7/12, giới chức một số thành phố lớn ở Mỹ đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phải gánh chịu những thiệt hại lớn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump xóa bỏ chương trình di trú cho phép những người nhập cư bất hợp pháp trẻ tuổi được ở lại Mỹ.
Trong bức thư gửi tỷ phú Trump, Thị trưởng các thành phố lớn nhất nước Mỹ như Chicago, New York, Los Angeles và Houston cho rằng nếu ông Trump bãi bỏ Chương trình Tạm hoãn trục xuất những trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA), quốc gia này sẽ mất đi khoảng 9,9 tỷ USD tiền thuế trong 4 năm tới và 433,4 tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 10 năm tới.
Họ kêu gọi chính quyền mới cần tiếp tục thực hiện chương trình DACA cho tới khi Quốc hội Mỹ hiện đại hóa hệ thống nhập cư và cấp quy chế cư trú dài hạn nhân đạo đối với nhóm đối tượng này.
Theo Thị trưởng thành phố Chicago, ông Rahm Emanuel, chương trình này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn công cộng.
Chương trình DACA được công bố hồi năm 2012 nhằm cho phép những trẻ em nước ngoài, thuộc diện không có giấy tờ được đưa đến Mỹ trước năm 16 tuổi, được quyền ở lại mà không phải lo lắng bị trục xuất khi họ theo học đại học, làm việc hay tham gia vào lĩnh vực quân đội. Chính sách này được gia hạn 2 năm/lần.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép sinh sống tại Mỹ, trong đó có khoảng 742.000 người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ hợp pháp tham gia DACA.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ sớm thực hiện các chính sách đưa ra trong chiến dịch tranh cử, trong đó có trục xuất hoặc tống giam tới 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ cư trú hợp pháp với lý lịch "đen" bao gồm phạm tội, có tiền án tiền sự, thành viên các băng nhóm và buôn bán ma túy.
Tổng thống đắc cử cũng đe dọa giảm hỗ trợ ngân sách liên bang đối với những thành phố bảo vệ những người nhập cư không có giấy tờ.
Trước tuyên bố trên, chính quyền một số thành phố lớn của Mỹ như Santa Ana và Los Angeles tuyên bố sẽ bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp.
Trước đó, chính quyền các thành phố lớn khác của Mỹ như Chicago, New York, Seattle và San Francisco cũng đã đưa ra cam kết tương tự đối với những đối tượng này./.