Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính giới và dư luận Mỹ rất hoan nghênh thông báo ngày 15/1 của chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc bắt đầu nới lỏng việc đi lại và giao dịch thương mại với Cuba từ ngày 1/6, coi đây là bước đi tiếp theo cụ thể hóa việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng sau hơn nửa thế kỷ bao vây cấm vận.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, từ ngày 16/1, mọi người dân Mỹ đều có thể làm thủ tục sang Cuba mà không cần phải xin giấy phép chứng minh nằm trong 12 nhóm người được phép tới thăm Cuba như trước kia. 12 nhóm người này gồm người Mỹ gốc Cuba về thăm gia đình và các nhà báo, chức sắc tôn giáo, các nhà giáo dục, các chuyên gia, các vận động viên thể thao… đến Cuba trong các chương trình giao lưu nhân dân và do các công ty tư nhân dàn xếp.
Trước đây, người Mỹ muốn đi du lịch sang Cuba phải quá cảnh tại một nước thứ ba, chủ yếu là Mexico. Mặc dù bị hạn chế, nhưng theo số liệu của chính phủ Cuba, trong năm 2012, sau khi Tổng thống Obama nới lỏng các hạn chế đi lại đã có tổng cộng 98.000 lượt người Mỹ thăm Cuba, gấp đôi số lượng người Mỹ thăm quốc đảo này trong 5 năm trước đó. Đó là chưa kể hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Cuba về nước hàng năm vì chính phủ Cuba vẫn coi là là người Cuba.
Quy định mới cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty dịch vụ viễn thông và các tổ chức tài chính của Mỹ trong việc làm ăn tại Cuba. Ngoài ra, cứ 3 tháng, người Mỹ gốc Cuba có thể gửi về cho người thân ở Cuba 2.000 USD, thay vì 500 USD như hiện nay. Du khách Mỹ từ Cuba trở về cũng có thể được mang theo khối lượng hàng hóa trị giá 400 USD, gấp 4 lần mức quy định trước đây nhưng các sản phẩm rượu và thuốc lá không quá 100 USD. Du khách Mỹ cũng được phép sử dụng thẻ tín dụng khi tới thăm Cuba.
Quy định mới còn cho phép mở rộng xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Cuba. Năm 2014, nông dân Mỹ xuất khẩu hàng hóa vào Cuba đạt 300 triệu USD. Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận có một khoảng cách lớn giữa tiềm năng xuất khẩu nông sản của Mỹ, khoảng 3 tỷ USD, vào Cuba với những gì đã làm được trong vài năm qua. Do vậy, quy định mới sẽ mở rộng cơ hội cho các chủ trang trại và nông dân Mỹ.
Phát biểu với báo giới khi công bố các biện pháp cụ thể trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew xác định đây là bước đi đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận công bố ngày 17/12/2014 về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Đây là bước tiến gần hơn của phía Mỹ theo hướng thay thế chính sách bao vây cấm vận mà Tổng thống Obama cho là “đã lỗi thời và không thúc đẩy được lợi ích quốc gia của Mỹ” trong hơn nửa thế kỷ qua.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, trong cuộc họp báo cùng ngày, mô tả thông báo của Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew là “một bước tiến có ý nghĩa” trong việc thực thi chính sách mới của chính quyền Obama đối với Cuba, sau 54 năm bao vây cấm vận thất bại.
Ông Jake Colvin, Phó Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, cũng bày tỏ hoan nghênh các bước đi mà ông cho là “xa hơn” những gì Tổng thống Obama đã thông báo trong quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Giới chức Cuba chưa có bình luận về các bước đi mới này, nhưng người dân Cuba hoan nghênh sự thay đổi mới trong chính sách của Mỹ với quốc đảo vùng Caribe.
Ông Orlando Veliz, một đầu bếp tư nhân ở Havana, được dẫn lời nói rằng một khi người dân hai nước được tự do thăm viếng lẫn nhau thì điều đó cũng có nghĩa nhà hàng của ông sẽ có thêm thực khách, thu nhập tăng lên và có lợi cho nền kinh tế.
Bà Julie Sweig, một học giả lâu năm về Cuba, cho rằng đây là một bước đi được người dân hai nước hoan nghênh và bà hy vọng bước tiếp theo sẽ là một hiệp định hàng không dân sự để cho phép hai bên tiến hành các chuyến thăm và chuyến bay thương mại thường xuyên chứ không chỉ hạn chế ở các chuyến thăm và chuyến bay không chính thức như hiện nay.
Cũng trong lộ trình bình thường hóa quan hệ hai nước, trong hai ngày 21-22/1 tới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Mỹ Latinh, bà Roberta Jacobson sẽ có mặt tại Havana để thảo luận với giới chức Cuba về các bước đi cụ thể trong việc bình thường hóa quan hệ song phương, trong đó có việc mở Đại sứ quán tại thủ đô hai nước.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cũng có kế hoạch sẽ dẫn đầu một phái đoàn Ngoại giao thương mại tới Cuba vào cuối năm nay để thăm dò tiềm năng của thị trường hàng hóa và dịch vụ Cuba.
Cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry khi thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngày 17/12 năm ngoái đều bày tỏ hy vọng có thể trở thành Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba sẽ còn gặp trở ngại lớn tại Quốc hội, nơi quyền quyết định cuối cùng về việc bãi bỏ lệnh cấm vận thuộc về các nghị sỹ đảng Cộng hòa.
Một số nghị sỹ của đảng này, trong đó có Thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida, cho tới nay vẫn phản đối mọi sự thay đổi trong quan hệ của Mỹ với Cuba. Một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa còn toan tính những biện pháp ngăn chặn sự thay đổi này thông qua việc không cấp ngân sách mở Đại sứ quán Mỹ tại Havana./.