Chính phủ liên bang Australia đang xem xét nâng cấp các tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia bao gồm lá chắn phòng thủ tên lửa trên biển sau những động thái của Triều Tiên.
Phát biểu ngày 1/9 với báo giới tại thành phố Adelaide, bang Nam Australia, Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Christopher Pyne cho biết sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Australia có thể điều chỉnh hệ thống phòng thủ trên đất liền trị giá 1,3 tỷ AUD được công bố hồi tháng Sáu vừa qua thành hệ thống phòng thủ trên biển.
Ông tiết lộ thêm Sách Trắng quốc phòng Australia 2017 và Kế hoạch Đầu tư tổng hợp cũng đã đề cập đến việc nâng cấp các tàu khu trục tác chiến.
Bộ trưởng Pyne cho biết một hệ thống tương tự như lá chắn phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ có thể mất đến 10 năm để hoàn thành và chi phí tối thiểu là 10 tỷ AUD.
Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, Chính phủ Australia đã cân nhắc đến ý tưởng trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa cho 9 tàu khu trục đang được đóng ở Adelaide để có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Thế hệ tàu ngầm mới, đang được chế tạo tại Adelaide, cũng sẽ giúp tăng cường bảo vệ chủ quyền của Australia và đưa nước này trở thành cường quốc khu vực ở phía Nam Thái Bình Dương.
[Mỹ-Hàn nhất trí tăng cường khả năng răn đe tên lửa đối phó Triều Tiên]
Trong khi đó, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội châu Á ở Sydney, cựu Thủ tướng Australia John Howard cảnh báo chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull nên quan ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cho rằng đến lúc phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa để phòng ngừa.
Trong một diễn biến liên quan tới Triều Tiên, Trung Quốc khẳng định vẫn tuân thủ lập trường coi trọng đối thoại với Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm ngày 1/9 với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc và Nhật Bản đã tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhất trí duy trì trao đổi liên lạc chặt chẽ, kể cả tại Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono còn kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc hợp tác trong việc thông qua các nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang không ngừng gia tăng sau khi Bình Nhưỡng ngày 29/8 tiến hành phóng một quả tên lửa đạn đạo bay qua đảo Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, hướng về phía đảo Guam, vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hiện, Nhật Bản và Mỹ đang nỗ lực nhằm tìm kiếm những biện pháp trừng phạt mới thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên./.