Chính phủ Australia ưu tiên tăng cường can dự với Đông Nam Á

Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis cho biết Australia đã đầu tư, tham gia và cam kết với các nước Đông Nam Á, cũng như có mối liên hệ lâu dài và gắn kết với khu vực này.
Chính phủ Australia ưu tiên tăng cường can dự với Đông Nam Á ảnh 1Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại sứ Australia tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Will Nankervis cho biết thông điệp chính của Canberra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này là ưu tiên tăng cường can dự với Đông Nam Á.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, Đại sứ Will Nankervis cho biết Australia đã đầu tư, tham gia và cam kết với Đông Nam Á, cũng như có mối liên hệ lâu dài và gắn kết với khu vực này.

Đại sứ Will Nankervis khẳng định: “Đông Nam Á là khu vực đa dạng, sôi động và là khu vực ngày càng thịnh vượng và kết nối. Australia công nhận và ủng hộ ảnh hưởng, sự năng động và quyền tự quyết của các đối tác trong khu vực. Chúng tôi mong muốn lắng nghe và hiểu quan điểm của khu vực về những thách thức chung và cách chúng ta có thể cùng nhau giải quyết chúng."

Theo Đại sứ Will Nankervis, Australia cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xích lại gần nhau.

Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vẫn là diễn đàn quan trọng nhất do các nhà lãnh đạo chủ trì để thảo luận về các vấn đề chiến lược toàn cầu. Hội nghị lần này sẽ là diễn đàn quan trọng để đối thoại chiến lược và tăng cường năng lực tập thể nhằm giải quyết các thách thức trong khu vực.

Về những thành tựu hợp tác nổi bật giữa ASEAN và Australia trong thời gian qua, Đại sứ Will Nankervis chia sẻ rằng kể từ khi trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN vào năm 1974, hợp tác ASEAN-Australia đã không ngừng được thúc đẩy. Năm 2021, ASEAN và Australia đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử với việc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP).

Trong khuôn khổ CSP, Canberra đã thiết lập chương trình Australia vì ASEAN (Aus4ASEAN), trong đó có Sáng kiến Tương lai Aus4ASEAN trị giá 204 triệu AUD (hơn 130,5 USD) nhằm hỗ trợ các dự án giải quyết các thách thức phức tạp trong khu vực, bao gồm hỗ trợ phát triển Chiến lược ASEAN về Trung hòa Carbon.

Chương trình trao 100 suất học bổng của Australia cho ASEAN đang hỗ trợ các nhà lãnh đạo mới nổi từ các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) theo học thạc sỹ tại Australia nhằm thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Sáng kiến Chuyển đổi Kỹ thuật Số và Kỹ năng Tương lai của Aus4ASEAN đang hỗ trợ nhu cầu kỹ năng trong tương lai và đáp ứng nhu cầu số hóa nhanh chóng của khu vực.

Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 đã trở thành “trụ cột trung tâm” trong mối quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước với các AMS.

Với việc nâng cấp mang tính lịch sử hồi tháng trước, AANZFTA bao gồm các lĩnh vực phát triển bền vững quan trọng như bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, quyền lao động và trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Việc nâng cấp thỏa thuận này đảm bảo rằng AANZFTA sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng trong khu vực.

[Khuyến khích phát triển ASEAN bền vững thông qua AIPF]

Cơ chế Thương mại vì Phát triển Khu vực trị giá 46 triệu AUD của Australia sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực giúp các AMS khai thác lợi ích từ AANZFTA mới và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Vào năm tới, ASEAN và Australia sẽ kỷ niệm 50 năm Quan hệ Đối tác Đối thoại và Thủ tướng Australia sẽ chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN tới Canberra tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt để kỷ niệm mốc quan hệ này. Hai bên đang hướng tới 50 năm hợp tác tiếp theo và tìm cách giải quyết tốt nhất các thách thức chung, cũng như thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác song phương.

Đại sứ Will Nankervis khẳng định Australia sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN như một nhân tố chủ chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, cũng như hợp tác cùng ASEAN giải quyết các vấn đề như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi trước các đại dịch trong tương lai.

Bên cạnh các thách thức trên, Đại sứ Will Nankervis đánh giá rằng ASEAN cũng đang đứng trước các cơ hội lớn với việc nền kinh tế khu vực đang phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2030, ASEAN được dự báo sẽ trở thành thị trường chung lớn thứ 4 sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc.

Đây sẽ là cơ hội lớn cho ASEAN và Australia, và cũng là lý do Thủ tướng Anthony Albanese đã bổ nhiệm ông Nicholas Moore AO làm Đặc phái viên khu vực Đông Nam Á với sứ mệnh xây dựng Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040. Chiến lược này sắp được công bố và sẽ cung cấp lộ trình thực tế về cách thức hai bên có thể tối đa hóa các cơ hội tăng trưởng thương mại và đầu tư.

Chính phủ Australia ưu tiên tăng cường can dự với Đông Nam Á ảnh 2Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Australia chụp ảnh chung. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Nhân dịp này, Đại sứ Will Nankervis nhấn mạnh rằng Canberra đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong khu vực vốn nằm ở vị trí trung tâm trong cam kết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Australia.

Theo ông, Việt Nam đã chèo lái thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 - thời điểm đặc biệt khó khăn đối với khu vực và thế giới. Tuyên bố Hà Nội do Việt Nam thúc đẩy trong Năm Chủ tịch 2020 tiếp tục cung cấp định hướng cho EAS.

Bày tỏ vui mừng trước sự tiến triển trong quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong ASEAN và trong các diễn đàn của khu vực, Đại sứ Will Nankervis cho biết hai nước đang hợp tác thúc đẩy các kết quả nhằm tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ví dụ, vào cuối tháng này, Australia, Việt Nam và Lào sẽ đồng chủ trì Đối thoại Cấp cao về Biến đổi Khí hậu và Chuyển đổi Năng lượng tại Hà Nội nhằm xác định các cơ hội để Australia hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của ASEAN.

Cũng theo ông Nankervis, năm 2021, Australia và Việt Nam đã đồng đăng cai Đối thoại Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ASEAN-Australia lần thứ 2 tại Hà Nội.

Hai nước cũng ghi nhận những thành quả hợp tác mạnh mẽ về an ninh hàng hải tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), với việc Australia và Việt Nam đồng chủ trì, cùng với EU và New Zealand, Hội thảo ARF lần thứ 4 về thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện quốc tế khác, nhằm giải quyết các vấn đề hàng hải đang nổi lên.

Giữa lúc hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay, mối quan hệ song phương Australia-Việt Nam tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ. Điều này được thể hiện qua nhịp độ trao đổi đoàn cấp cao dày đặc với việc Thủ tướng, Toàn quyền, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch, và Đặc phái viên Australia về Đông Nam Á đều đã đến thăm Việt Nam trong 5 tháng qua.

Đại sứ Will Nankervis bày tỏ: “Đối với cả ASEAN và Việt Nam, Australia rất vui mừng về những gì mà mối quan hệ đối tác trong 50 năm tới sẽ mang lại và chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cũng như với ASEAN để hướng tới một khu vực nơi các quốc gia và người dân có thể hợp tác, giao thương và phát triển."

Đề cập đến các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Nankervis lưu ý rằng Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Về phần mình, Australia muốn một Biển Đông hòa bình, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng và tuân thủ, đồng thời các tuyến đường hàng hải được mở cho thương mại.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh rằng UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương và việc tuân thủ UNCLOS là điều tối quan trọng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.

Đại sứ Will Nankervis khẳng định tuy Australia không phải là một bên tham gia trong các cuộc đàm phán COC, song nước này có những lợi ích rõ ràng trong việc đảm bảo một môi trường hàng hải rộng mở và duy trì luật pháp quốc tế.

Bất kỳ Bộ Quy tắc Ứng xử nào cũng cần thúc đẩy cam kết chấm dứt các hành động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, cũng như không làm phương hại đến lợi ích của bên thứ ba hoặc quyền của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục