Chính phủ chính thức trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Báo chí

Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc sửa đổi Luật Báo chí hiện hành nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.

Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác cương lĩnh của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Báo chí có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá về tổng thể, dự thảo Luật báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Một số vấn đề của dự thảo Luật còn một số bất cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Cụ thể v ề quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí giấy phép trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; nhà báo; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục