Chính phủ Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và đại diện Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) ngày 8/2 đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên với mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một bình luận đăng trên Twitter ngay trước cuộc đàm phán diễn ra ở ngoại ô thủ đô Quito, Ecuador, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia Juan Camilo Restrepo khẳng định quyết tâm đàm phán nghiêm túc và nhanh chóng đồng thời bày tỏ hy vọng ELN cũng cùng chung rằng đã đến thời điểm của hòa bình lâu dài.
Trước đó, trong buổi ra mắt bàn hòa đàm, ông Restrepo đã khẳng định 2 trọng tâm của các cuộc đàm phán ban đầu là vấn đề nhân đạo và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ cũng kêu gọi ELN chấm dứt các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, cảnh báo hành động này sẽ là rào cản lớn cho các thỏa thuận hòa bình.
Trong khi đó, đại diện ELN Pablo Beltrán đã nhấn mạnh đối thoại là phương thức hữu hiệu để giải quyết bất đồng và tuyên bố tổ chức này sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về những hậu quả đã gây ra trong suốt thời gian nội chiến.
Sau 3 năm đàm phán kín, Chính phủ của Tổng thống Santos và ELN dự định khởi động hòa đàm chính thức vào cuối tháng 10/2016.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện do các bên cáo buộc lẫn nhau không thực thi các cam kết đã thỏa thuận liên quan tới việc phóng thích các con tin.
Trong những ngày gần đây, ELN cũng như chính phủ đã trả tự do cho các con tin mà cả hai bên yêu cầu, bày tỏ thiện chí hòa đàm.
Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), nhóm vũ trang lớn nhất nước Nam Mỹ, cũng đã đạt được thỏa thuận hòa bình sau 4 năm đàm phán. ELN, nhóm vũ trang lớn thứ hai sau FARC tại Colombia, được thành lập vào năm 1964 và hiện có khoảng 3.000 thành viên.
Cộng đồng quốc tế hy vọng việc Chính phủ Colombia và ELN chính thức ra mắt bàn hòa đàm sẽ đi tới thành công như những gì đã đạt được với FARC, cho phép chấm dứt hơn 50 năm xung đột vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ.
Thống kê cho thấy cuộc nội chiến kéo dài ở Colombia đã làm 260.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất tích và hơn 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.