Chính phủ Haiti ngừng kế hoạch tăng giá xăng dầu gây tranh cãi

Haiti ngừng tăng giá xăng dầu cho đến khi có thông báo mới, sau khi bùng nổ các vụ biểu tình tại quốc gia Caribe này nhằm phản đối kế hoạch trên, khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Thủ tướng Haiti Jack Guy Lafontant. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 7/7, Thủ tướng Haiti Jack Guy Lafontant đã tuyên bố ngừng tăng giá xăng dầu cho đến khi có thông báo mới, sau khi bùng nổ các vụ biểu tình tại quốc gia Caribe này nhằm phản đối kế hoạch trên, khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Trong thông điệp đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Guy Lafontant yêu cầu giới chức nước này có các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống và tài sản của người dân, đồng thời nhấn mạnh bạo lực và dân chủ không phải là yếu tố có thể song hành.

Trước đó, ngày 6/7, Chính phủ Haiti đã công bố biểu giá các loại nhiên liệu mới, theo đó giá xăng sẽ tăng 38%, dầu diesel áp dụng mức tăng 47% trong khi kereosene tăng 51%.

Việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu là một phần trong các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Haiti đã cam kết với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ hồi tháng Hai vừa qua. Ông Lafontant đã có bài phát biểu trên truyền hình nhằm trấn an người dân và lý giải quyết định trên.


[LHQ đề nghị ủng hộ 40 triệu USD vào quỹ chống dịch tả ở Haiti]

Tuy nhiên, bất đồng với chủ trương này, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại thủ đô Port-au-Prince, Cap-Haitien - thành phố lớn thứ hai Haiti, và các vùng lân cận. Người biểu tình đã phong tỏa các con đường, đốt lốp xe, khiến giao thông bị tê liệt. Các hàng hãng không như American, Air France, Delta, Jet Blue và Copa đã buộc phải hủy các chuyến bay đến thủ đô Haiti cho đến trưa 7/7.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Haiti Gary Bodeau đã cảnh báo quốc hội sẽ giành quyền kiểm soát chính phủ nếu vấn đề trên không được giải quyết trong vòng 2 giờ.

Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây Bán cầu, vẫn đang phải khắc phục khó khăn do cơn bão Matthew gây ra từ năm 2016. Trong khi đó, hậu quả do trận động đất xảy ra hồi năm 2010 vẫn đeo bám người dân quốc gia Caribe này với gần 40.000 người đang sinh sống trong các lều trại tạm bợ, không được tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản. Hơn 200.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất này và hàng nghìn người đã tử vong do dịch tả kéo dài trong nhiều năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục