Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến thực hiện tuyên bố chung liên Triều

Hàn Quốc đang cân nhắc tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên để thảo luận chi tiết việc thành lập một văn phòng liên lạc chung tại thành phố Kaesong ở biên giới hai miền.
Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến thực hiện tuyên bố chung liên Triều ảnh 1Khu công nghiệp chung Kaesong nhìn từ Paju, Hàn Quốc ngày 24/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chức Chính phủ Hàn Quốc ngày 30/4 cho biết nước này đang cân nhắc tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên để thảo luận chi tiết việc thành lập một văn phòng liên lạc chung tại thành phố Kaesong ở biên giới hai miền.

Việc thành lập văn phòng liên lạc thường trực chung đã được lãnh đạo hai miền nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 vừa qua, và nêu rõ trong Tuyên bố chung Panmunjom, theo đó, tại văn phòng này sẽ có các quan chức hai bên cùng làm việc nhằm thúc đẩy đối thoại và các hoạt động giao lưu nhân dân.

Phát biểu tại họp báo ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho biết: "Để thực hiện Tuyên bố Panmunjom, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét tổ chức đối thoại, bao gồm các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, trong thời gian sớm nhất."

Theo một nguồn tin, Bộ trên đang cân nhắc đàm phán để thảo luận chi tiết vào tháng 5 tới và nếu tham vấn tiến triển thì văn phòng trên sẽ có thể mở cửa vào tháng 6.

Hiện hai miền Triều Tiên đang có các văn phòng liên lạc riêng, sử dụng điện thoại và máy fax để trao đổi thông tin liên lạc. Nếu được thành lập, văn phòng mới được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tới các quan hệ liên Triều, và giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại liên Triều định kỳ.

Thành phố Kaesong, nằm ở phía Bắc biên giới, cũng là nơi đặt một khu tổ hợp công nghiệp chung, biểu tượng của hợp tác kinh tế liên Triều. Tuy nhiên, khu công nghiệp này bị đóng cửa từ tháng 2/2016 sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4.

Năm 2005, hai miền Triều Tiên đã xây một tòa nhà 4 tầng nằm trong khu công nghiệp chung Kaesong, dự kiến được dùng làm trụ sở cho một văn phòng liên lạc hợp tác kinh tế chung. Nhưng tòa nhà đã phải đóng cửa sau khi Triều Tiên phản đối việc Seoul áp đặt trừng phạt năm 2010 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan. Nếu được thành lập, văn phòng mới sẽ tọa lạc tại tòa nhà này.

Hiện Bộ Thống nhất Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong. Một quan chức Bộ này cho biết việc mở cửa trở lại của khu công nghiệp trên sẽ "chỉ được cân nhắc sau khi đánh giá các tiến bộ trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều" sắp tới.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết từ ngày 1/5 sẽ bắt đầu công tác tháo dỡ các loa phóng thanh tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai miền. Bước đi này nhằm hiện thực hóa nội dung "ngừng hoàn toàn mọi hành động thù địch chống lại nhau trong mọi lĩnh vực," được ghi trong Tuyên bố chung Panmunjom sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27/4.

Trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử trên, Hàn Quốc đã ngừng các chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng qua hệ thống loa phóng thanh nói trên, trong khi Triều Tiên cũng ngừng các chương trình tuyên truyền của Bình Nhưỡng qua đài phát thanh.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết việc dỡ bỏ các loa phóng thanh ở biên giới là một bước đi "ban đầu" có thể dễ dàng thực hiện để xây dựng lòng tin quân sự giữa hai bên. Bà Choi không nói rõ số loa phóng thanh ở khu vực này, tuy nhiên báo chí Hàn Quốc cho biết có khoảng 20 thiết bị, cả cố định và di động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.