Chính phủ Italy thông qua dự luật cấm các loại thực phẩm nhân tạo

Bộ trưởng Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Francesco Lollobrigida nhấn mạnh các sản phẩm từ phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng, sức khỏe, cũng như không bảo vệ nền văn hóa, truyền thống của Italy.
Thịt nhân tạo. (Nguồn: The Peninsula Qatar)

Ngày 28/3, Chính phủ Italy đã thông qua dự luật cấm sử dụng các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong phòng thí nghiệm, trong đó có cả thịt nhân tạo.

Bộ trưởng Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Francesco Lollobrigida đã đưa ra thông báo trên sau cuộc họp của nội các.

Ông Lollobrigida nhấn mạnh các sản phẩm từ phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng, sức khỏe, cũng như không bảo vệ nền văn hóa, truyền thống của Italy.

Trước đó, tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Orazio Schillaci cho biết dự luật mới này "dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, do hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào về những tác hại tiềm ẩn liên quan việc tiêu thụ thực phẩm nhân tạo."

[Thịt nhân tạo-Giải pháp giảm phát thải CO2 trong nông nghiệp]

Thực phẩm giả thịt từ lâu đã được sản xuất, với mức độ thành công khác nhau, từ các nguồn thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan hoặc đậu. Tuy nhiên, nếu lệnh cấm được Quốc hội Italy thông qua, ngành công nghiệp Italy sẽ không được phép sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi trong các phòng thí nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào động vật hoặc các mô có nguồn gốc từ động vật có xương sống.

Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt khoản tiền lên tới 60.000 euro (hơn 65.000 USD). Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động và nhà sản xuất có thể bị tước quyền hưởng tài trợ công trong tối đa 3 năm.

Theo dự luật, quy định mới sẽ không áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất ở những nơi khác trong Liên minh châu Âu (EU), ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc trong Khu vực Kinh tế châu Âu.

Hiệp hội nông nghiệp Coldiretti của Italy đã hoan nghênh dự luật của chính phủ, cho rằng điều này sẽ giúp bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các công ty đa quốc gia.

Để hưởng ứng quyết định này, Coldiretti đã tổ chức một cuộc tuần hành ở trung tâm thủ đô Rome chiều 28/3, với thông điệp "Nói không với thực phẩm nhân tạo."

Chủ tịch Coldiretti - ông Ettore Prandini nêu rõ: “Italy - quốc gia dẫn đầu châu Âu về chất lượng và an toàn thực phẩm - có nhiệm vụ đi đầu trong các chính sách về thực phẩm để bảo vệ người dân và doanh nghiệp."

Để có hiệu lực, dự luật trên cần phải được Quốc hội Italy thông qua trong vòng 2 tháng. Cơ quan này cũng có thể sẽ sửa đổi văn kiện này thông qua các cuộc tranh luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục