Chính phủ Italy xem xét việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Chính phủ Italy đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người dân tiêm đủ liều vaccine COVID-19 lên 90%, do đó các nhà chức trách đang tìm cách khuyến khích những người vẫn chưa tiêm chủng đi tiêm phòng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lampedusa, Italy, ngày 15/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lampedusa, Italy, ngày 15/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi chiến dịch tiêm chủng tại Italy chậm lại và các trường hợp mắc COVID-19 gia tăng, chính phủ đã thảo luận lại việc liệu có nên bắt buộc người dân phải tiêm vaccine để đáp ứng các mục tiêu tiêm chủng hay không.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu trên truyền hình ngày 3/11 của Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa nhấn mạnh rằng “tiêm chủng bắt buộc đối với một số loại bệnh hoàn toàn không phải là điều cấm kỵ và chúng tôi đã sẵn sàng xem xét điều đó.”

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, tại Italy có gần 84% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Do chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 90%, các nhà chức trách đang tìm cách khuyến khích những người vẫn chưa tiêm chủng đi tiêm phòng.

Ông Costa nói: "Tôi tin rằng 90% là ngưỡng cho phép chúng tôi quản lý được đại dịch. Đến nay, có nhận thức rằng chúng ta không còn nói về miễn dịch cộng đồng, bởi vì ngay cả một người đã được tiêm vaccine cũng có thể bị mắc COVID-19, nhưng bệnh của họ sẽ nhẹ hơn nhiều. Mục tiêu của chính phủ là đảm bảo rằng không có thêm công dân nào tử vong vì COVID-19 và không còn có những ca bệnh nặng phải chăm sóc đặc biệt. Mục tiêu 90% tạo ra những điều kiện này.”

[Italy đưa ra khuyến nghị cho những người đã tiêm vaccine của J&J]

Được thảo luận lần đầu vào tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã xác nhận rằng ông ủng hộ việc bắt buộc phải tiêm vaccine sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và Cơ quan Quản lý dược phẩm Italy (AIFA) chính thức cho phép việc sử dụng vaccine.

Mặc dù không có quốc gia châu Âu nào khác đang xem xét việc bắt buộc người dân phải tiêm vaccine, Bộ trưởng Y tế Italy đã phát biểu hồi tháng Chín rằng ông sẽ tiếp tục kế hoạch nếu thấy cần thiết để "bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe."

Cho đến nay, chính phủ Italy vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về việc khi nào thì việc tiêm chủng trở nên bắt buộc, hoặc cho những nhóm người nào.

Tuy nhiên, quyết định này sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của những người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa đi tiêm vaccine.

Thứ trưởng Costa nói: “Tôi hy vọng họ sẽ nhận thức được rằng việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ cuộc sống của họ mà còn cho phép đất nước tiếp tục con đường trở lại bình thường và phục hồi kinh tế.”

Nếu Italy đạt được mục tiêu tiêm chủng 90%, các biện pháp phòng chống COVID-19 hiện tại có thể thay đổi. Ông Costa khẳng định: “Tôi nghĩ chúng tôi có thể mở ra một giai đoạn mới và xem xét lại các biện pháp phòng chống dịch, chẳng hạn như việc sử dụng thẻ xanh.”

Tước đó, tất cả các nhân viên y tế tại Italy đã bị buộc phải tiêm vaccine theo một đạo luật được thông qua vào tháng 4/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục