Chính phủ mới do Liên minh Hy vọng (PH) lãnh đạo đã nắm quyền được hơn 1 năm. Mặc dù PH nói rằng họ đã thực hiện được 39,01% cam kết đưa ra khi tranh cử, còn lại 60,99% cam kết đang trong giai đoạn lên kế hoạch hoặc vẫn chưa bắt đầu, song kết quả nhiều cuộc thăm dò ý dân cho thấy tỷ lệ ủng hộ PH đã giảm mạnh, thậm chí dưới mức trung bình.
Nguyên nhân chủ yếu là do trong thời gian qua, người dân không cảm nhận được sự thay đổi, nhất là về kinh tế, đặt PH trước hàng loạt nguy cơ.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lâm Quán Anh cho biết tăng trưởng GDP năm nay của Malaysia có thể đạt 5,2%, cao hơn tương đối nhiều so với mức dự báo 4,9%.
Trên phương diện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Malaysia cũng gặt hái thành tích ấn tượng, năm 2018 đạt 80,5 tỷ RM (khoảng 20 tỷ USD), tăng 48% so với mức 54,5 tỷ RM của năm 2017.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường, người ta lại cảm nhận nó thiếu sức sống bởi con số đầu tư nước ngoài dường như mới chỉ dừng ở chu trình đăng ký, lên kế hoạch, chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, người dân không hiểu tại sao Malaysia Airlines lại liên tục lỗ, không đạt được mục tiêu chuyển lỗ thành lãi trong 3 năm.
Từ 2015-2017, lỗ sau thuế của Malaysia Airlines là 2,3 tỷ RM còn năm 2018 lỗ trước thuế là 6,27 tỷ RM, khiến Thủ tướng Mahathir Mohamad cảm thấy thất vọng.
Ngay cả hãng hàng không đại diện cho quốc gia cũng như vậy thì tình hình chung khó có thể nói là khả quan.
Nhằm kích thích nhân tâm, trong bài phát biểu đặc biệt nhân 1 năm PH cầm quyền ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố sẽ xóa sạch các tệ nạn của chính phủ tiền nhiệm và chú tâm hơn vào việc chăm lo cho người dân.
[Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phủ nhận tin đồn cải tổ nội các]
Một viễn cảnh mới đã được vạch ra là vào năm 2030, người dân Malaysia sẽ “cùng hưởng phồn vinh.”
Theo nhà bình luận chính trị thời sự Tạ Thi Kiên, mục tiêu mới này rõ ràng nhằm thay thế mục tiêu mà Mahathir đưa ra 30 năm trước, đó là Malaysia trở thành nước tiên tiến vào năm 2020 với mức thu nhập bình quân đầu người là 15.000 USD.
Tuy nhiên, sau khi ông Mahathir "về hưu" vào năm 2003, những người kế nhiệm ông không thể thực hiện được mục tiêu đó. Cho đến trước khi bị hạ bệ trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 (GE14) hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia khi đó là Najib Razak đã đẩy lùi thời gian thực hiện mục tiêu của ông Mahathir 50 năm, tức là tới năm 2068 mới đưa Malaysia trở thành quốc gia khiến mọi người phải ngưỡng mộ.
Rốt cuộc, thực tế không như kỳ vọng, năm 2018, ông Najib thất bại thảm hại, để lại một "mớ bòng bong" cho người kế nhiệm Mahathir.
Trở lại làm thủ tướng Malaysia lần thứ 2, ông Mahathir biết rõ mình không phải thần tiên, không thể “biến đá thành vàng,” cho nên mới đưa ra mục tiêu cần ít nhất 10 năm để thực hiện.
Cho dù ông Mahathir vẫn chưa nói rõ thời điểm cụ thể chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim, nhưng gần đây quan hệ giữa hai người đã có sự cải thiện.
Bằng chứng là họ đã cùng xuất hiện trong nhiều sự kiện công khai. Sự thay đổi này là rất cần thiết bởi PH liên tục thất bại trong 3 cuộc bầu cử bổ sung trước khi giành được thắng lợi tại cuộc bầu cử bổ sung không thể thua tại Sandakan thuộc bang Sabah.
Dù chiến thắng của phe đối lập tại Cameron, Semeniyh và Yantau không làm chính quyền PH lung lay, nhưng nó không những phản ánh sự bất mãn của người dân, mà còn cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa chủng tộc và chủ nghĩa tôn giáo.
Bởi sau khi chính thức thiết lập quan hệ hợp tác chính trị, Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) đã tung ra hàng loạt luận điệu về chủng tộc để thúc đẩy cử tri lựa chọn ủng hộ ứng cử viên nào thì dựa trên xuất thân dân tộc của họ.
Ông Anwar cũng rất cảnh giác, cho rằng tuyệt đối không thể xem nhẹ việc một số chính đảng cổ súy cho vấn đề chủng tộc, tôn giáo, nếu không chính phủ PH có thể sẽ đánh mất tất cả những thành quả đạt được.
Ở phương diện khác, khi còn nắm giữ chức Chủ tịch UMNO và chưa chuyển giao cho Mohamad Hasan, Ahmad Zahid từng cho rằng nếu UMNO và PAS bắt tay nhau tại GE14, Mặt trận Quốc gia (BN), do UMNO lãnh đạo sẽ không chuốc lấy thất bại.
Quả thực, ở một chừng mực nào đó, UMNO và PAS hợp tác với nhau có thể củng cố được vị thế ở khu vực nông thôn, khiến PH phải dè chừng. Điều may mắn là tại GE14, UMNO và PAS chưa chính thức kết đồng minh, đều muốn chứng minh thế lực của ai lớn hơn hay chí ít đối với PAS là tham vọng có thể giành được 40 ghế Hạ viện để trở thành lực lượng then chốt cho sự hình thành của chính phủ mới.
Giờ đây, PAS đã bắt tay với UMNO, nguyên nhân chủ yếu là PAS nhìn thấy cơ hội lớn mạnh từ mối quan hệ hợp tác này, nhưng áp lực lại đè nặng lên PH.
Vấn đề hiện nay là cùng một nỗi lo về cái bắt tay giữa PAS và UMNO, nhưng ông Mahathir và Anwar lại có chiến lược đối phó khác nhau.
Ông Mahathir luôn nhấn mạnh tới việc lôi kéo nghị sỹ UMNO gia nhập đảng Người Malaysia bản địa đoàn kết (Bersatu) do mình sáng lập, để xóa bỏ sự tồn tại của UMNO. Kết quả, trong chưa đầy 1 năm sau GE14, Bersatu đã đưa số ghế tại Quốc hội của mình từ 13 lên 26.
Ngược lại, ông Anwar cho rằng việc để nghị sỹ UMNO gia nhập Bersatu sẽ gieo mầm cho vấn đề chủng tộc tôn giáo trong PH, cho nên, PH phải giữ vững trận địa, không để UMNO và PAS thừa cơ lợi dụng.
Có chuyên gia cho rằng nếu Anwar không chủ trương như vậy thì sau khi lên nắm quyền sẽ rất khó kiểm soát Bersatu vì khi đó Bersatu có lẽ đã lớn mạnh hơn cả UMNO.
Tóm lại, kinh tế khó khăn là thực tế mà chính phủ PH đang phải đối mặt, nhưng vấn đề chính trị cũng rất phức tạp. Malaysia là quốc gia đa chủng tộc, nhưng giờ đây UMNO đã không ngần ngại chơi quân bài chủng tộc để lôi kéo lá phiếu cử tri, thậm chí khi cần sẵn sàng chơi cả quân bài tôn giáo.
Việc họ phản đối ký kết Hiệp ước chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) và Quy chế Roma cho thấy rõ tầm quan trọng của câu chuyện đặc quyền dành cho người Malaysia bản địa.
Nếu UMNO và PAS thực sự cùng một chiến tuyến, thống nhất quân bài sử dụng, PH sẽ rất khó đối phó, tình hình chính trường Malaysia sẽ rất phức tạp./.