Chính phủ mới của Hàn Quốc bắt đầu mở rộng quan hệ với EU

Ông Cho Yoon-je, đặc phái viên của tân Tổng thống Hàn Quốc đã có buổi tiếp xúc với các quan chức cấp cao của EU tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Chính phủ mới của Hàn Quốc bắt đầu mở rộng quan hệ với EU ảnh 1Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: EPA)

Phái đoàn Hàn Quốc do ông Cho Yoon-je, đặc phái viên của tân Tổng thống Hàn Quốc dẫn dầu, ngày 19/5, đã có buổi tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Tại cuộc gặp, phái đoàn Hàn Quốc đã chuyển thư của tân Tổng thống Moon Jae-in gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong đó nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ sớm gặp Chủ tịch Tusk trong thời gian sớm nhất có thể.

Hai bên đã thảo luận về cách thức xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Moon Jae-in và EU.

Thông báo kết quả cuộc tiếp xúc, ông Cho Yoon-je cho biết lãnh đạo EU khẳng định sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh điểm chung trong chính sách đối ngoại của EU cùng cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jae-in trong vấn đề Triều Tiên, là không thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mà theo đuổi giải pháp ngoại giao, lôi kéo các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán.

[Tân Tổng thống Hàn Quốc chỉ định Thị trưởng Seoul tới ASEAN]

Đại diện Hàn Quốc cho biết thêm EU đã đưa ra lời khuyên đối với chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in, đó là chú trọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhân dịp này, ông Cho Yoon-je thông báo kế hoạch Tổng thống Moon Jae-in có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tusk bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) vào tháng 7 tới ở thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức.

Sau khi nhậm chức ngày 10/5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ định Giáo sư Cho Yoon-je của Trường Đại học Sogang làm đặc phái viên tới Đức và Liên minh châu Âu, cùng với 6 đặc phái khác đến các nước và khu vực trên thế giới.

Nhiệm vụ của các đặc phái viên là truyền đạt tới lãnh đạo các nước này chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, cũng như đi sâu trao đổi ý kiến về cách thức phát triển quan hệ song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.