Nhà Trắng ngày 23/11 thông báo Chính phủ Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt 4 quan chức đương nhiệm và đã về hưu của Chính phủ Burundi do dính líu tới tình trạng bạo lực hiện nay tại quốc gia Đông Phi này.
Trong một thông cáo, Văn phòng Báo chí Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã ban hành sắc lệnh hành chính tuyên bố tình hình khẩn cấp quốc gia để ứng phó với mối đe dọa bất thường từ tình trạng bạo lực tại Burundi đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Sắc lệnh trên không nhằm vào người dân mà nhằm trừng phạt những cá nhân trong chính phủ và lực lượng vũ trang Burundi phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay.
Theo đó, 4 cá nhân bị áp đặt trừng phạt gồm Bộ trưởng An ninh Công cộng Alain Guillaume Bunyoni, Phó Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Godefroid Bizimana, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Godefroid Niyombare và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cyrille Ndayirukiye. Các đối tượng này sẽ bị phong tỏa tài sản và giới hạn visa.
Thông cáo tuyên bố tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của khu vực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình khủng hoảng tại quốc gia châu Phi này; đồng thời để ngỏ khả năng siết chặt trừng phạt những đối tượng có hành vi bạo lực, vi phạm quyền con người hay tấn công các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nhà Trắng cho biết đã có hơn 200.000 người dân Burundi phải đi sơ tán do tình trạng bạo lực tại quốc gia này.
Các cuộc biểu tình tại Burundi từ tháng Tư vừa qua nhằm phản đối Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ 3 đã biến thành bạo lực, gây nhiều thương vong.
Bất chấp làn sóng biểu tình, ông Nkurunziza đã tái đắc cử hôm 21/7 vừa qua trong cuộc bầu cử bị các đảng đối lập tẩy chay. Tình trạng bạo lực leo thang đang làm dấy lên lo ngại quốc gia Trung Phi này có thể lại rơi vào nội chiến. Mỹ và EU đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Burundi, bao gồm việc cấm các quan chức cấp cao của quốc gia này nhập cảnh.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nội vụ Burundi cùng ngày cho biết đã "tạm thời" cho đóng cửa 10 tổ chức phi chính phủ đang đối mặt với thủ tục tố tụng liên quan tới các cuộc biểu tình nổ ra tại nước này hồi tháng Tư vừa qua.
Theo đó, các NGO này sẽ không được phép hoạt động cho tới khi có quyết định chính thức từ tòa án./.