Sau 3 cuộc bầu cử rơi vào bế tắc và gây nhiều chia rẽ cùng một năm rưỡi nền chính trị bị tê liệt, chiều 17/5, Chính phủ liên minh giữa đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz đã tuyên thệ nhậm chức.
Động thái này chấm dứt hơn 1 năm bế tắc chính trị trong bối cảnh ông Netanyahu sắp phải hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng.
Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, ông Netanyahu sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng trong 18 tháng trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Gantz. Về phần mình, ông Gantz sẽ làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian ông Netanyahu nắm quyền.
[Palestine tuyên bố không còn ràng buộc vào thỏa thuận Oslo]
Trong 6 tháng đầu tiên, chính phủ mới của Israel sẽ có 32 bộ trưởng, chia đều cho hai khối của ông Netanyahu và ông Gantz. Tuy nhiên, sau 6 tháng, số bộ trưởng sẽ tăng lên thành 36 người, trở thành chính phủ có nhiều bộ trưởng nhất trong lịch sử Nhà nước Israel.
Tình trạng bế tắc chính trị kéo dài 1 năm qua trên chính trường Israel đã chính thức được tháo gỡ sau khi Tổng thống Israel Reuven Rivlin ngày 8/5 đã chỉ định Thủ tướng Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ mới.
Trước đó, với 72/120 phiếu thuận, bao gồm tất cả các nghị sỹ thuộc đảng Xanh-Trắng của ông Gantz, Quốc hội Israel đã nhất trí cho phép Thủ tướng Netanyahu được giữ chức Thủ tướng trong chính phủ tiếp theo.
Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra một ngày sau khi Tòa án tối cao nước này bác bỏ các kiến nghị cho rằng thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ “quốc gia khẩn cấp” với cơ chế thủ tướng luân phiên giữa ông Gantz và ông Netanyahu ký ngày 20/4 là không hợp pháp, cũng như bác bỏ kiến nghị cấm một nghị sỹ đang bị truy tố hình sự được đứng ra thành lập chính phủ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 24/5 tới với các cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin. Đến nay, vị thủ tướng 70 tuổi này vẫn kiên quyết phủ nhận các cáo buộc trên.
Thỏa hiệp
Tháng trước, ông Netanyahu và ông Gantz - một cựu tướng quân đội - đã tuyên bố sẽ gạt bỏ những bất đồng và thù oán sang một bên sau 3 cuộc bầu cử không đi tới kết quả cuối cùng để cùng nhau chèo lái đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và khắc phục những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế từ đại dịch này.
Như vậy, ông Gantz đã phải từ bỏ cam kết tranh cử quan trọng nhất của mình là không làm việc dưới quyền ông Netanyahu. Thỏa thuận liên minh này dẫn tới việc thành lập một chính phủ cồng kềnh nhất trong lịch sử Israel và có khả năng giúp ông Netanyahu tiếp tục bám víu quyền lực.
Bất chấp những lời chỉ trích, ông Gantz cho rằng việc ông hợp tác với Thủ tướng Netanyahu là cách duy nhất để giúp Israel thoát khỏi tình trạng bế tắc kéo dài và giúp đất nước không bị lôi kéo vào một cuộc bầu cử tốn kém khác.
Yohanan Plesner, Chủ tịch Viện Dân chủ Israel - một tổ chức phi đảng phái - nói rằng thành tựu chính là việc thỏa thuận này cho phép chính phủ Israel tiếp tục hoạt động sau thời gian bế tắc chính trị kéo dài nhất trong lịch sử Israel.
Tuy nhiên, theo ông, sự nghi kỵ sâu sắc giữa các phe nhóm đối địch sau một chiến dịch vận tranh cử kéo dài, thậm chí đôi khi còn xảy ra bạo lực, khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc họ sẽ cùng nhau điều hành đất nước ra sao.
Chính phủ trở nên cồng kềnh hơn?
Chính phủ thứ 35 kể từ khi Israel thành lập vào năm 1848 sẽ bao gồm các đại diện đến từ nhiều đảng phái chính trị. Các vị trí nội các sẽ được giao cho Công đảng cánh tả, liên minh Xanh-Trắng trung hữu của ông Gantz, đảng Likud của ông Netanyahu và các lãnh đạo đến từ các đảng của người Do Thái chính thống cực đoan.
Viết trên tờ Yediot Aharonot, nhà bình luận chính trị Ben-Dror Yemini nói rằng liên minh này khiến chính phủ trở nên cồng kềnh hơn và là sự "lãng phí," do có tới 34 ghế nội các, và con số này có thể sẽ tăng lên 36.
Ông nói: "Không rõ chính phủ này có ý thức hệ nào hay không. Tất cả hiện chỉ là việc phân chia ghế."
Nội các cồng kềnh, cùng với ngân sách bổ sung để chi trả cho "thủ tướng thay thế" - một vị trí mới được thành lập - đã làm dấy lên sự chỉ trích trong bối cảnh Israel đang tìm cách phục hồi nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá.
Theo hãng tin AP, ví trị "thủ tướng thay thế" cũng là tâm điểm chính của sự chỉ trích vì vị trí này có thể giúp ông Netnayahu tiếp tục nắm quyền cho dù sau đó đã nhường lại ghế thủ tướng cho ông Gantz và trong suốt phiên tòa xét xử ông tội tham nhũng cũng như các thủ tục tố tụng sau đó.
Người ta cũng nghi ngờ ông Netanyahu sẽ không thực hiện cam kết của mình là chuyển giao vị trí thủ tướng cho ông Gantz.
Vị trí mới này cũng sẽ được hưởng mọi đặc quyền giống như thủ tướng, trong đó quan trọng nhất đối với ông Netanyahu là quyền được miễn truy tố, theo điều luật quy định các quan chức chính phủ - ngoại trừ thủ tướng - sẽ phải từ chức nếu bị cáo buộc phạm tội.
"Sự thay đổi lớn"
Theo Washington Post, mặc dù ông Netanyahu có thể sẽ vẫn là người đứng đầu chính phủ Israel, song sẽ có sự thay đổi lớn diễn ra. Báo này cho rằng chính phủ mới sẽ không giống như bất kỳ chính phủ nào mà ông Netanyahu từng dẫn dắt trước đây.
Những thỏa hiệp được xây dựng một cách tỉ mỉ của "liên minh đoàn kết khẩn cấp" đặt ông Gantz - từng là đối thủ của Thủ tướng Netanyahu - vào vị trí ngang bằng với ông Netanyahu trong nội các.
Đối với những người dân, các đồng minh và kẻ thù của Israel vốn đã quen với việc ông Netanyahu một mình cầm quyền, thỏa thuận này có thể sẽ tạo ra nhiều thay đổi cả trong chính sách và giọng điệu của chính phủ Israel.
Reuven Hazan, Giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Hebrew, nói: "Sợi dây trói buộc ông Netanyahu sẽ ngắn lại. Đó là điều chúng ta chưa từng được thấy trước đây. Chúng ta sẽ chờ xem ông Gantz có thể kiềm chế ông Netanyahu tới mức nào."
Tuy nhiên, ông Netanyahu nổi tiếng là một đối thủ chính trị vô song, do đó hầu như ít có nhà quan sát nào bác bỏ khả năng ông Netanyahu có thể sẽ trung lập hóa và gạt bỏ sang một bên các trung tâm quyền lực khác của chính phủ mới.
Ông Gantz, một cựu tướng quân đội, đã bước lên vũ đài chính trị 17 tháng trước và tuyên bố mục đích của ông là phá vỡ việc cầm quyền của ông Netanyahu. Tuy nhiên, theo Mordechai Kremnitzer - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Dân chủ Israel, quyết định liên minh với thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel đã đặt ông Gantz vào một cuộc chiến không công bằng.
Ông nói: "Một bên là đội ngũ có kinh nghiệm cùng một thủ tướng rất sắc sảo và tinh nhanh, còn một bên là đội ngũ những người mới tham gia chính trị. Câu hỏi là liệu sự cân bằng quyền lực chính thức này có thể tồn tại trên thực tế hay không?"
Trong thời gian đầu, ông Gantz sẽ tiếp quản vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Gabi Ashkenazi, một cựu tướng quân đội khác và cũng là đối tác của ông Gantz từng giúp xây dựng đảng Xanh-Trắng, sẽ đứng đầu Bộ Ngoại giao. Đây là hai vị trí có ảnh hưởng quan trọng.
Dan Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, nói với Washington Post rằng các nhà ngoại giao sẽ đối mặt với nhiều thay đổi tại Jerusalem. Ông nói: "Gantz sẽ tham gia các cấp cao nhất của chính phủ, và nếu có quan điểm khác biệt với Thủ tướng Netanyahu, chính phủ sẽ không thể phớt lờ ông ta. Một bộ trưởng ngoại giao và một bộ trưởng quốc phòng cũng sẽ cần phải được lắng nghe. Và đó là điều mới đối với chính phủ Israel."
Kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây
Một chủ để nóng khác được quan tâm sau khi Israel có chính phủ mới là việc sáp nhập những khu vực rộng lớn ở Bờ Tây, sớm nhất là vào mùa hè này.
Theo hãng tin AFP, thỏa thuận giữa ông Netanyahu và ông Gantz quy định rằng từ ngày 1/7, chính phủ Israel có thể tiến hành thực hiện kế hoạch hòa bình gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới cuộc xung đột Israel-Palestine.
Thông qua kế hoạch này, vốn đã bị phía Palestine thẳng thừng bác bỏ, Washington đã "bật đèn xanh" để Israel sáp nhập các khu định cư của người Do Thái và vùng lãnh thổ chiến lược khác ở khu vực Bờ Tây mà Israel đang chiếm đóng.
Nếu làm như vậy, Israel chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của quốc tế và có nguy cơ làn dấy lên căng thẳng ở khu vực Bờ Tây vốn chưa bao giờ yên ổn, nơi gần 3 triệu người Palestine và khoảng 400.000 người Israel đang sinh sống trong các khu định cư bị coi là phi pháp chiểu theo luật quốc tế.
Hãng tin AP cho biết ông Gantz tuyên bố rằng ông sẽ chỉ chấp thuận một động thái như vậy nếu có sự ủng hộ của quốc tế. Bằng việc đưa hai thành viên của Công đảng có tư tưởng ôn hòa hơn vào khối của mình, có vẻ như ông Gantz muốn tìm cách làm dịu đi những tham vọng của những người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ủng hộ ông Netanyahu về việc sáp nhập khu vực Bờ Tây trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Sau thời gian đó, ông Joe Biden có thể sẽ thay ông Trump lên làm tổng thống và phản đối việc Israel đơn phương sáp nhập khu vực Bờ Tây.
Theo báo Jerusalem Post, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du chớp nhoáng mới đây tới Israel đã nhấn mạnh rằng việc sáp nhập lãnh thổ là quyết định của Israel, và điều này làm dấy lên câu hỏi lâu nay về việc Israel thực sự muốn gì? Liệu chính phủ mới của nước này có thể hiện thực hóa được kế hoạch đó hay không?
Báo này cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn mà chính phủ thứ 35 của Israel sẽ phải đối mặt, và hãy hy vọng rằng chính phủ mới sẽ đưa ra các quyết định vì những điều tốt đẹp hơn cho đất nước chứ không phải vì chương trình nghị sự hẹp hòi của các đảng phái hay các bộ trưởng. Những quyết định đó sẽ định hình đất nước trong những thập kỷ tới./.