Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/8 đã thông báo kế hoạch cho phép thăm dò dầu khí ở khu vực rộng hơn 80 triệu mẫu Anh (32,3 triệu ha) tại Vịnh Mexico, sau khi một tòa án ra phán quyết chống lại quyết định của chính quyền tạm ngừng cho đấu thầu dự án này.
Động thái trên được cho là một bước lùi đáng kể đối với kế hoạch tham vọng về khí hậu của Nhà Trắng và đã vấp phải sự phản đối của các nhóm hoạt động môi trường.
Cục Quản lý năng lượng đại dương thuộc Bộ Nội vụ Mỹ cho biết thông báo mời thầu cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng Chín này, theo đó một hợp đồng cho thuê sẽ được ký kết vào mùa Thu năm nay.
[Biến đổi khí hậu: Mỹ nỗ lực tạo động lực trước thềm COP26]
Tháng Một năm nay, Tổng thống Joe Biden tuyên bố tạm dừng hoạt động khai thác mới dầu khí ở vùng biển liên bang để xem xét, trong bối cảnh phe Dân chủ đang tập trung vào vấn đề khủng hoảng khí hậu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden.
Tuy nhiên, tháng Sáu vừa qua, một thẩm phán ở bang Louisiana do cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm đã phán quyết rằng quyết định này của chính quyền cần phải được Quốc hội thông qua.
Chính phủ Mỹ ước tính có thể khai thác ở khu vực nói trên khoảng 1,1 tỷ thùng dầu và 4.400 tỷ m3 khí đốt thông qua đấu thầu. Quyết định mới của chính phủ công bố ngày 31/8 ghi nhận một báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã chỉ ra những dấu hiệu về sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu ở mọi khu vực trên thế giới, song cho rằng báo cáo này chưa đưa ra đủ lý do thuyết phục để thay đổi tuyên bố về tác động của hoạt động khai thác dầu khí đối với môi trường ở thời điểm này.
Trong khi đó, các nhóm bảo vệ môi trường đã kiện Cục Quản lý năng lượng đại dương và Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland sau khi thông báo trên được đưa ra.
Họ cho rằng hậu quả của cơn bão Ida cho thấy Mỹ cần phải làm mọi thứ có thể để tiến tới sử dụng nguồn năng lượng sạch thay cho nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm tác động mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra như những cơn bão mạnh hơn và xảy ra thường xuyên hơn./.