Chính sách đầy biến động của Mỹ khiến đồng minh lo lắng

Gần 2 năm qua, nước Mỹ luôn lo lắng về việc Tổng thống Donald Trump thường xuyên phớt lờ và bỏ ngoài tai những lời khuyên của đội ngũ cố vấn, làm xói mòn quan hệ của Mỹ với các đồng minh.
Chính sách đầy biến động của Mỹ khiến đồng minh lo lắng ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Straitstimes cho rằng kể từ khi Donald Trump nhận chức tổng thống Mỹ, thế giới luôn phải chuẩn bị tinh thần cho một thời kỳ mà ở đó các nguyên tắc và cam kết chiến lược dựa trên ý thức hệ sẽ nhường chỗ cho cách tiếp cận chính sách đối ngoại của một người luôn đặt tư tưởng “Nước Mỹ trước tiên” lên hàng đầu. Và tính khí thất thường của Trump cũng là một vấn đề.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đệ đơn từ chức do bất đồng với quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Syria cũng như cắt giảm phần lớn lực lượng triển khai tại Afghanistan.

Cả Syria và Afghanistan đều là hai tiền tuyến của cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan.

Việc Trump vội vàng tuyên bố chiến thắng và rút quân khỏi 2 quốc gia này là không phù hợp, làm ảnh hưởng tới lợi ích toàn cầu cũng như hòa bình và an ninh của một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới.

Mỹ có sức mạnh quân sự và vũ khí tối tân, song điều đó sẽ có giá trị hơn nếu binh lính Mỹ vẫn hiện diện ở Syria và Afghanistan để ngăn chặn sự đổ máu ở 2 quốc gia này.

Theo các báo cáo tình báo của Mỹ và các nước đồng minh tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq, vẫn có tới 11.000 tay súng của tổ chức này hoạt động tại Syria.

[Ông Donald Trump quyết định kéo dài thời gian rút lực lượng khỏi Syria]

Tại Afghanistan, hơn 1/2 lãnh thổ nước này bị kiểm soát bởi các tay súng Taliban, IS và các lực lượng đối lập.

Việc Mattis - nhân vật quân sự cấp cao thứ 3 - rời khỏi chính quyền Trump sau sự ra đi của tướng HR McMaster và John Kelly đã lấy đi của Nhà Trắng những nhân vật có nhiều kinh nghiệm.

Họ là những chiến lược gia có khả năng đưa ra những ý kiến tư vấn kiên định cho chính sách đối ngoại thất thường của Mỹ.

Thông báo rút quân khỏi Syria của Trump khiến các đồng minh bị tổn thương, góp phần làm hồi sinh các nhóm chiến binh, làm suy yếu khả năng của Washington trong việc tác động và gây ảnh hưởng đến bất kỳ sự dàn xếp lâu dài nào trong các khu vực xung đột.

Đồng thời, quyết định này cũng sẽ củng cố vị thế của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sắp đặt, định hình trật tự khu vực.

Tại châu Á, Mỹ có những đồng minh rất thân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là khu vực tập trung một số "điểm nóng" nhất trên thế giới, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.

Đây là một khu vực rất cần có sự can dự lâu dài và ổn định của Mỹ để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột.

Cho tới nay, Mattis vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, đồng thời ông cũng nỗ lực giúp làm giảm căng thẳng ở vùng biển đang có tranh chấp này.

Trước một Triều Tiên không từ bỏ tham vọng hạt nhân, trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng, những nỗ lực của Mattis đã giúp duy trì liên minh giữa Mỹ với các nước đồng minh châu Á. Do vậy, sự ra đi của Mattis là điều rất đáng lo ngại đối với các đồng minh của Mỹ ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Trump, quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan cũng như việc ông bất đồng với Quốc hội khi khăng khăng đòi Quốc hội duyệt chi khoản ngân sách trị giá 5 tỷ USD để xây dựng bước tường biên giới với Mexico - điều khiến cho chính phủ nước này phải đóng cửa một phần - là việc làm hợp lý, nhằm thực hiện lời hứa với các cử tri đã ủng hộ ông đắc cử tổng thống.

Trump ngồi vào ghế tổng thống khi chưa từng hoạt động trong lĩnh vực chính trị.

Gần 2 năm qua, nước Mỹ luôn lo lắng về việc ông thường xuyên phớt lờ và bỏ ngoài tai những lời khuyên của đội ngũ cố vấn. Điều này làm xói mòn quan hệ của Mỹ với các đồng minh trên thế giới, phá hoại lợi ích an ninh quốc gia cũng như chính sách của Mỹ.

Thế giới sẽ phải nín thở chờ xem những bất ổn gì sẽ xảy ra trong năm 2019. Sự ra đi của Bộ trưởng Mattis dường như mới chỉ là sự khởi đầu của những bất ổn đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.