Chính sách đối ngoại của Ấn Độ chưa như kỳ vọng của Thủ tướng Modi?

Bằng cách không thể hiện rõ Ấn Độ đứng về phía nào giữa hai phe dân chủ và độc tài, Modi hy vọng củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là "người cân bằng" trong mối tương quan các lực lượng toàn cầu.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ chưa như kỳ vọng của Thủ tướng Modi? ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018 tại Buenos Aires đã trao cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi một cơ hội quốc tế nữa để củng cố vị thế chính trị của ông ở trong nước.

Nhưng trong khi người dân trong nước tin vào những tin tức mà các phương tiện truyền thông Ấn Độ đăng tải về chuyến công du nước ngoài không biết lần thứ mấy của ông, thì trong thế giới chính trị quyền lực toàn cầu, Thủ tướng Ấn Độ không có bất kỳ ảnh hưởng hay vị thế thực sự nào.

Vì vậy, Modi đã theo chiến lược giống như ông đã làm trong những tình huống tương tự trong quá khứ - cố gắng làm cho Ấn Độ có liên quan bằng cách đưa đất nước tham gia vào các liên minh xung đột.

Modi đã gặp Vladimir Putin và Tập Cận Bình trong cuộc gặp ba bên để thảo luận về triển vọng của nhóm Nga-Ấn-Trung, sau đó quay sang cùng với Donald Trump và Shinzo Abe ca ngợi những hiệu quả chiến lược của liên minh Nhật-Mỹ-Ấn.

Bằng cách không thể hiện rõ Ấn Độ đứng về phía nào giữa hai phe dân chủ và độc tài, Modi hy vọng củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là "người cân bằng" trong mối tương quan các lực lượng toàn cầu. Điều này sẽ ổn nếu Ấn Độ tham gia cuộc chơi của các siêu cường - nhưng thực tế không như vậy.

Không giống như các cường quốc khác, Ấn Độ không thạo về chính sách thực dụng đòi hỏi chính sách đối ngoại nhanh nhẹn. Nước này cũng không có ảnh hưởng quân sự trên phạm vi rộng.

Tại sao Ấn Độ, với diện tích lớn, vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên, lại không có tầm ảnh hưởng toàn cầu?

Ấn Độ không thể trở nên vĩ đại chỉ vì những thuộc tính tự nhiên của nó. Điều đó đòi hỏi một nhà lãnh đạo có tầm nhìn quốc gia có ảnh hưởng mạnh, ý chí chính trị sắt đá và sự tàn nhẫn để phá vỡ sự cân bằng quyền lực đang tồn tại.

Đã từng có hy vọng, giờ đây chứng tỏ là sai, rằng Modi sẽ là một nhà lãnh đạo như vậy. Modi đã không đưa ra một tầm nhìn mới cũng như vạch ra một lộ trình mới.

Thay vào đó, ông đã thực hiện chính sách "chạy theo Mỹ" đã lỗi thời để "cân bằng" Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khi khiến Ấn Độ ngày càng rời xa những người bạn cũ như Nga và Iran.

Chính phủ Modi cho đi những gì có thể được bán với giá đắt, và nhận thấy rằng không thể đòi hỏi sự nhượng bộ của bất kỳ ai.

Ví dụ, khi ký Biên bản thỏa thuận trao đổi hậu cần và Thỏa thuận bảo mật và tương thích truyền thông, New Delhi đã mất đi đòn bẩy với Washington mà trước đây họ đã tích lũy nhờ việc cho phép tiếp cận các căn cứ của Ấn Độ.

[Thủ tướng Ấn Độ Modi ở thế yếu hơn trước thềm bầu cử 2019?]

Ấn Độ cũng đã để mặc cho tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và nhận thấy họ không thể dễ dàng đảo ngược xu hướng này.

Modi thường xuyên theo đuổi một mục tiêu chung với Washington để gây bất lợi cho lợi ích riêng của Ấn Độ.

New Delhi đã gây áp lực với Tehran bằng cách giảm 1/3 khối lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran và tái trang bị thêm cho các nhà máy lọc dầu Ấn Độ để xử lý dầu thô của Saudi Arabia.

Modi cũng đã xa lánh Nga bằng cách tạo điều kiện cho các nỗ lực của Mỹ nhằm thế chân nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ trước đây, mặc dù công nghệ mà Mỹ cung cấp đã lạc hậu.

Lời hứa của Mỹ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự tân tiến cũng không mang lại kết quả.

Giờ đây, Ấn Độ đang phải gánh những hậu quả vì sự nhẹ dạ của Modi. Washington chỉ cho New Delhi thời hạn 138 ngày để thoát khỏi các lệnh trừng phạt theo "Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận" để hủy bỏ các giao dịch mua dầu từ Iran.

Tương tự, Washington đã đề nghị miễn có điều kiện cho Ấn Độ khỏi bị trừng phạt do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Cuối cùng, bất chấp những năn nỉ của Modi, Trump đã ngừng cấp visa dạng H1B cho các kỹ thuật viên công nghệ Ấn Độ làm việc tại Mỹ - một động thái gây thiệt hại nghiêm trọng ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ.

Modi dường như không ý thức được những mất mát về địa chiến lược khi từ bỏ không gian, sự tự do và tính linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman tuyên bố rằng "không có mâu thuẫn giữa tự chủ chiến lược và quan hệ đối tác chiến lược." 

Modi có vẻ hơi lo ngại rằng thái độ thân thiện quá mức của ông với Mỹ có thể khiến cho Ấn Độ mất đường tiếp cận cảng Chabahar của Iran chẳng hạn.

Cũng đang trong tình thế nguy hiểm là các kế hoạch chiến lược lớn hơn để đối phó với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc bằng cách củng cố mạng lưới kết nối đường sắt và đường bộ của Ấn Độ với Afghanistan và Trung Á, tạo thành gọng kìm ngăn chặn hải quân Pakistan và Trung Quốc hoạt động vượt ra bên ngoài Gwadar; và những mối quan tâm chung nhằm ngăn cản quân đội Trung Quốc vươn ra khu vực Ấn Độ Dương.

Sự thật là Chính phủ Ấn Độ đã không làm được như chính sách đầy tham vọng mà Modi đưa ra. Chính sách "Láng giềng trước tiên" của Ấn Độ không thể vượt qua "khối ung nhọt" Pakistan. Chính sách "Hành động phương Đông" của nước này đang thiếu sức sống.

Việc thiết lập hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, diễn ra chậm chạp và thiếu thuyết phục.

Các liên kết an ninh với Nhật Bản đang trong tình trạng ảm đạm mặc dù Modi và Abe vẫn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm.

Đáng chú ý, bộ máy quan liêu quốc phòng Ấn Độ đã hủy bỏ một dự án quan trọng nhất - mà Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ tài chính - liên quan đến việc chuyển giao toàn bộ dây chuyền sản xuất máy bay cỡ lớn ShinMaywa US-2 cho Ấn Độ.

Ngoài ra, sự hỗ trợ phát triển mà Modi đã hứa với các quốc gia Trung Á đang gặp khó khăn vì thiếu một hệ thống phân phối hiệu quả.

Tất cả những điều gây thất vọng này xuất hiện trong khi Trung Quốc đang chạy đua để củng cố sự thống trị của mình ở châu Á. Một "thành công," như việc Indonesia bàn giao cảng Sabang ở Sumatra cho hải quân Ấn Độ sử dụng, cho thấy một môi trường dễ tiếp nhận nếu Ấn Độ quan tâm để tận dụng các cơ hội của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.