Chính thức khai mạc Hội chợ cam Vinh – Nghệ An năm 2018

Hội chợ cam Vinh-Nghệ An năm 2018 được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về việc sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn, có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ.
Người dân mua cam Vinh tại hội chợ. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Tối 27/12, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khai mạc Hội chợ cam Vinh-Nghệ An năm 2018 nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về việc sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn, có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu cam Vinh-Nghệ An trên thị trường trong nước và quốc tế; giới thiệu các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cam quả và cách chế biến quả cam sau khi thu hoạch.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Nghệ An là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng mưa nhiều, gió Lào thổi rát, hàng năm gánh chịu nhiều thiên tai như bão lũ, hạn hán, nhưng thiên nhiên lại ban tặng cho một món quà vô cùng quý giá, đó là những quả cam mọng nước, ngọt ngào, mang hương vị đặc trưng mà bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều có thể cảm nhận được.

Xác định cây cam là một đặc sản chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý về chất lượng, thị trường và công tác quảng bá thương hiệu để cam Vinh không chỉ là một nông sản mang lại giá trị kinh tế cao mà còn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị như là một sản phẩm văn hóa của tỉnh.

Các gian hàng cam Vinh của các vùng trồng cam ở Nghệ An tham gia hội chợ. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Đặc biệt trong 2 năm (2017-2018), việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh đã đem lại những tín hiệu tích cực từ cả phía những người sản xuất, các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đã tuân thủ quy trình, kỹ thuật, chủ động áp dụng giống mới, công nghệ mới, một số hộ đã hướng tới sản xuất cam sạch, cam an toàn, cam VietGAP, Global GAP… cho thấy người sản xuất đã ý thức rất rõ ràng muốn cạnh tranh thì vấn đề tiên quyết là phải đảm bảo chất lượng.

Ở một số địa phương trong tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn tìm hướng đi mới cho cam như sản xuất các sản phẩm tinh dầu, mứt, bánh từ cam và tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái vườn cam. Đây là hướng đi mới, đầy hứa hẹn, mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển ngành nghề chế biến và dịch vụ liên quan đến sản phẩm cam.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, liên quan đến cam, năm 2018 tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án “Phát triển thương hiệu cam Vinh và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nghệ An đến năm 2025.”

Năm 2017 và 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tiến hành quản lý, cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc cho 10 tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm cam Vinh ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục