Vĩnh Long: Đầm ấm lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer

Sene Dolta là lễ truyền thống của đồng bào Khmer, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân bậc tổ tiên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế tặng quà chúc mừng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế tặng quà chúc mừng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 1/10, Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thành Thế làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) nhân dịp lễ Sene Dolta năm 2024 của đồng bào Khmer.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế chúc quý vị sư sãi, trụ trì, Ban quản trị, người có uy tín và đồng bào Khmer đón lễ Sene Dolta năm 2024 vui tươi, an toàn, tiết kiệm, hạnh phúc. Đồng thời ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các vị sư sãi, đồng bào Khmer vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Thế mong muốn các vị chư tăng, phật tử là người Khmer trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực lao động sản xuất để nâng cao đời sống; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng.

Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long, trụ trì chùa Hạnh Phúc Tăng bày tỏ phấn khởi trước sự quan tâm chăm lo của tỉnh, địa phương đối với đồng bào Khmer dịp lễ Sene Dolta; cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp để bà con, các vị tu sỹ được sinh hoạt và hoạt động Phật sự ổn định, đúng pháp luật.

Thượng tọa kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét nâng số lượng học sinh người Khmer được học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long; có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên mở lớp dạy chữ Khmer cho học sinh dịp hè tại điểm chùa.

Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 1-3/10). Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện cho đồng bào đón lễ theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

vna_potal_lanh_dao_tinh_vinh_long__tham_chuc_mung_le_sene_dolta_nam_2024_cua_dong_bao_dan_toc_khmer_7626791.jpg
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Trương Thành Dãnh tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Đón lễ Sene Dolta trong không khí đầm ấm

Sáng 1/10, gần 400 ngàn người Khmer ở Sóc Trăng bước vào ngày đầu tiên của lễ Sene Dolta trong những niềm vui, đầm ấm và hạnh phúc.

Sene Dolta là lễ truyền thống của đồng bào Khmer, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ghi nhận tại xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) nơi có gần 50% dân số là người Khmer sinh sống, từ sáng sớm, bà con đến chợ mua sắm về nấu mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên.Ông Huỳnh Sương, xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) cho hay, mặc dù các thành viên trong gia đình đều bận công việc nhưng tới lễ Sene Dolta con cháu về quây quần bên mâm cơm của gia đình.

Con cháu thể hiện lòng thành kính, gửi món quà, lời chúc đến cha mẹ, ông bà thể hiện lòng biết ơn, sự hiếu thảo của mình. Sau bữa cơm sum họp, hầu hết bà con Khmer đều dành thời gian mang cơm và bánh, trái đến chùa tổ chức cúng tập thể, nghe các vị sư tụng kinh cầu siêu cho ông bà tổ tiên...

Ông Lưu Minh Xuân, thành viên Ban quản trị chùa Tam Sóc (huyện Mỹ Tú) cho biết, dịp này, ông bà cha mẹ còn truyền dạy con cháu kinh nghiệm cuộc sống như tinh thần vượt khó vươn lên, đoàn kết trong đồng bào Khmer và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng khá hoàn thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang “sáng-xanh-sạch-đẹp.” Toàn tỉnh có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 34 xã vùng dân tộc thiểu số.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc, có nhiều chính sách ưu đãi, chăm ho, hỗ trợ đồng bào. Qua đó đời sống người dân nói chung, đồng bào Khmer tại Sóc Trăng không ngừng vươn lên.

Đến nay, tỉnh còn 8.521 hộ nghèo, trong đó có 4.073 hộ nghèo và 8.230 hộ cận nghèo người Khmer; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, riêng tỷ lệ này trong hộ Khmer giảm 3%/năm.

Cũng theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer như: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Rô Băm, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nhạc Ngũ Âm, Múa Rom Vong… được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn quan tâm giữ gìn và phát huy. Tỉnh quan tâm công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.

Mừng lễ Sene Dolta năm nay, có hàng trăm ngôi nhà mới được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới, hơn 4.500 hộ Khmer được chuyển đổi ngành nghề. Từ đó bà con tổ chức đón nghi lễ truyền thống của dân tộc thêm vui tươi, đầm ấm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.