Tuần báo Orbe (Cuba) nhận định việc chính trị gia cực hữu Jair Bolsonaro chiến thắng một cách thuyết phục trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Brazil và sự kiện này diễn ra một cách êm thấm không có nghĩa nguy cơ về một cơn bão chính trị tại quốc gia rộng lớn nhất Mỹ Latinh này đã được xua tan.
Đại úy quân đội về hưu và ứng cử viên của đảng Xã hội Tự do giành được từ các hòm phiếu điện tử (mà trước đây chính ông từng tuyên bố vài lần là không tin tưởng) gần 57,8 triệu phiếu, tương đương 55,14 % số phiếu hợp lệ, vượt qua niềm hy vọng của đảng Lao động Fernando Haddad, người có được hơn 47 triệu phiếu ủng hộ.
Có thể kết quả đã khác nếu 31,36 triệu cử tri Brazil không từ bỏ quyền bỏ phiếu của mình và 11 triệu khác không bỏ phiếu trắng.
Thường quảng bá hình ảnh của mình là “người bên ngoài hệ thống”, một hệ thống mà trong suốt quá trình vận động tranh cử ông luôn cam kết sẽ đấu tranh để thay đổi, song trên thực tế Bolsonaro đã có 27 năm làm nghị sĩ liên bang, một cương vị mà ông nắm giữ với rất ít thành tựu (chỉ có 3 dự thảo đứng tên ông được thông qua trong toàn bộ thời gian này và tất cả đều được đánh giá là không mấy quan trọng) và rất nhiều bê bối.
Bolsonaro chủ yếu “nổi tiếng” từ những quan điểm trọng nam khinh nữ, thù ghét người đồng giới, công khai phân biệt chủng tộc và có lập trường bảo vệ chế độ độc tài và ủng hộ biện pháp tra tấn, cùng những quan điểm cực đoan như triệt sản người nghèo để “đấu tranh chống đói nghèo và tội phạm”, hay phụ nữ phải nhận lương thấp hơn nam giới.
Ngay trong cao trào của chiến dịch tranh cử vòng 2 vừa qua, ông Bolsonaro lại gây chú ý khi cảnh báo các đối thủ chính trị của mình, đặc biệt là đảng Lao động, rằng kể từ năm tới họ sẽ phải tuân thủ “luật chơi” của ông, nếu không sẽ bị bỏ tù hoặc bị trục xuất.
[Tổng thống Brazil thảo luận tiến trình chuyển giao quyền lực]
Về đường lối cầm quyền sắp tới, Giáo sư Pedro Rossi làm việc tại Viện Kinh tế thuộc Đại học Campinas (Unicamp) mới đây cảnh báo rằng chính phủ của Bolsonaro khó có khả năng thúc đẩy các chính sách báo hiệu phục hồi kinh tế hay tăng tốc độ tạo việc làm tại quốc gia hiện đang có khoảng 12 triệu người trong tình trạng thất nghiệp.
Chương trình kinh tế của vị nguyên thủ tương lai chỉ có 2 trụ cột chủ chốt và trái ngược nhau: một bên là đề xuất cắt giảm mạnh bộ máy nhà nước (số lượng các bộ sẽ giảm từ 29 xuống 15) và bên kia là quân sự hóa bộ máy này, mà mức chi phí cao chỉ có thể được trang trải nếu chính phủ xóa bỏ các hạn mức trần chi tiêu công mà chính phủ của tổng thống đương nhiệm Michel Temer đã đề ra hay cắt giảm mạnh chi phí xã hội.
Giáo sư Rossi nhận định đây là một kế hoạch tối đa hóa an ninh nhà nước và tối thiểu hóa - nếu không muốn nói là xóa bỏ triệt để - quyền lợi xã hội.
Nhiều người nhìn nhận việc cử tri lựa chọn nhân vật cực hữu này, thậm chí ngay cả trước khi có kết quả chính thức, là một sự đe dọa cho nền dân chủ của Brazil và môi trường quốc tế.
Một bức thư ngỏ chung của nhiều trí thức, học giả và chính trị gia của Brazil và một số nước châu Âu, được tờ The Guardian của Anh đăng tải nhận định rằng những ý tưởng của Bolsonaro “đại diện cho một sự đe dọa chết người” đối với tự do, các quyền lợi cơ bản, những cân bằng tối thiểu bất kỳ của môi trường thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và với cả nền dân chủ non trẻ của Brazil.
Các tác giả khẳng định rằng quốc gia rộng lớn và đông dân nhất Mỹ Latinh đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ cuộc đảo chính quân-dân sự và thiết lập chế độ độc tài năm 1964 (mà Bolsonaro luôn ngưỡng mộ), đồng thời cũng chỉ trích kịch liệt yếu tố thù hằn và bạo lực mà vị cựu sĩ quan quân đội và các đại diện đắc cử cùng chung chí hướng khác của ông đã khơi dậy trong lòng xã hội Brazil.
Trong một bình luận khác, chủ nhân giải Nobel Hòa bình Adolfo Pérez Esquivel (Argentina), nhà hoạt động người Mỹ Angela Davis và cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernández cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với đại diện giới cực hữu Brazil và nhấn mạnh “giữa nền dân chủ và tư tưởng phátxít, sẽ không thể có chỗ cho lực lượng trung dung.”
Các tác giả này cũng cảnh báo cuộc bầu cử ngày 28/10 vừa qua tại Brazil là sự kiện quan trọng quyết định vận mệnh giữa tự do, đa sắc thái với chính sách mị dân độc đoán, và sẽ có tác động lâu dài không chỉ với Brazil, mà còn với cả khu vực Mỹ Latinh-Caribe và toàn thế giới./.