Chính trường Malaysia dậy sóng vì 'cuộc đấu đá' trong nội bộ PKR

Cuộc đấu đá nội bộ đảng Công lý Nhân dân (PKR) ở Malaysia đã sớm bộc lộ, minh chứng cho câu nói “chung hoạn nạn thì dễ, nhưng rất khó để cùng hưởng phú quý.”
Chính trường Malaysia dậy sóng vì 'cuộc đấu đá' trong nội bộ PKR ảnh 1Chủ tịch PKR Ibrahim Anwar, người mà theo thỏa thuận trong Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền sẽ thay ông Mahathir Mohamad làm Thủ tướng Malaysia. (Nguồn: Straitstimes)

Báo chí Malaysia mới đây đưa tin, đảng Công lý Nhân dân (PKR) sẽ tổ chức Đại hội Toàn quốc tại Malacca từ ngày 5-8/12 tới.

Tuy nhiên, thông tin loan đi không phải là những đường hướng chính sách tương lai, mà là những đồn đoán, kiến nghị bất lợi, bao gồm cả cái gọi là “bỏ phiếu bất tín nhiệm” đối với Chủ tịch PKR Ibrahim Anwar, người mà theo thỏa thuận trong Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền sẽ thay ông Mahathir Mohamad làm Thủ tướng Malaysia.

Phong trào xã hội “Ngọn lửa Cải cách” năm 1998 đã thúc đẩy sự ra đời của PKR. Giống như những lần vào tù rồi được ân xá, con đường đi từ vị trí đối lập đến vai trò cầm quyền của PKR cũng không dễ dàng.

Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 hồi tháng 5/2018, PKR đã đón sinh nhật lần thứ 20 của mình cùng với chiến thắng lịch sử của PH, chấm dứt 61 năm cầm quyền liên tục của Mặt trận Quốc gia (BN).

Vinh quang đến, nhiều người cho rằng PKR đã “khổ tận” và đã tới lúc “cam lai.” Nhưng không ai ngờ cuộc đấu đá nội bộ PKR đã sớm bộc lộ, minh chứng cho câu nói “chung hoạn nạn thì dễ, nhưng rất khó để cùng hưởng phú quý.”

Vụ bê bối tình dục đồng tính liên quan đến Phó Chủ tịch Thường trực PKR kiêm Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế - ông Azmin Ali - hồi tháng 6 vừa qua đã khiến những vấn đề nội bộ PKR trở thành “phần nổi của tảng băng.”

Tuy nhiên, không ai rõ “phần chìm của tảng băng” lớn tới đâu, chỉ phỏng đoán về hậu quả của sự chia rẽ trong PKR.

[Malaysia khởi động Năm APEC 2020, hiện thực hóa Mục tiêu Bogor]

Kịch bản tệ nhất là PKR sẽ “tan đàn xẻ nghé,” làm tiêu tan giấc mộng trở thành thủ tướng của ông Anwar. Cũng vì thế, dù tuần đầu tiên của tháng 12/2019 diễn ra đại hội toàn quốc của 3 đảng, ngoài PKR còn có Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO, đảng lãnh đạo BN) và đảng Niềm tin Dân tộc (Amanah) thuộc PH, nhưng những diễn biến xung quanh PKR được quan tâm chú ý hơn cả.

Ngày 28/11, Chủ tịch Thường trực Thanh niên PKR Mizan Adli Mohd Noor và Phó Chủ tịch Thường trực Thanh niên PKR Mohd Ramly Ahmad bất ngờ bị phế truất với lý do họ đã quá độ tuổi quy định (35 tuổi). Đây là hai lãnh đạo thanh niên được cho là thuộc phe ông Azmin và việc họ bị sa thải được nhìn nhận là nhằm tạo chỗ trống cho đồng minh của ông Anwar trước đại hội toàn quốc.

Trước đó, vào ngày 24/11, Ủy ban Kỷ luật PKR cũng khai trừ một đồng minh khác của ông Azmin là Chủ tịch PKR Bera Zakaria Abdul Hamid với lý do tham nhũng.

Những động thái trên đã dẫn tới phản ứng quyết liệt từ phe ông Azmin, đặc biệt là trường hợp của Zakaria. Bởi ngày 25/11, Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) tuyên bố trong một báo cáo rằng họ đã hoàn thành các cuộc điều tra về ông Zakaria và quyết định rằng sẽ không buộc tội ông này. Tòa án cũng không đưa ra phán quyết gì.

Sau đó ngày 30/11, 20 Ủy viên trung ương PKR do ông Azmin đứng đầu đã ký vào bức thư chung cho rằng việc khai trừ Zakaria thiếu lý do thuyết phục, không phù hợp với nguyên tắc, tuân thủ trình tự pháp luật. Bức thư khẳng định việc quyết định khai trừ Zakaria là vội vàng, chưa nhận được sự ủng hộ của 2/3 số Ủy viên Trung ương bởi số người ký vào bức thư đã chiếm đại đa số Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu ông Anwar phải xin lỗi. Tuy nhiên, ông Anwar đã từ chối đưa ra lời xin lỗi.

Sau vụ việc này, nhiều đồn đoán đã xuất hiện. Đầu tiên là kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Anwar tại Đại hội Thanh niên PKR (tổ chức trong khuôn khổ Đại hội Toàn quốc PKR) của Phó Chủ tịch Thanh niên PKR ông Nazrin Idham Razali.

Kiến nghị của ông Nazrin đã nhận được sự ủng hộ của một số lãnh đạo thanh niên PKR khác, nhưng có được thực hiện hay không vẫn phải chờ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên PKR. Nhưng nó cho thấy những động thái được cho là nhằm vào phe ông Azmin đã gây ra những phản kháng nhất định trong nội bộ PKR.

Hiện nay, dư luận quan tâm nhất có thể là đồn đoán về khả năng phe của ông Azmin sẽ tổ chức một đại hội song song với Đại hội Toàn quốc của PKR.

Theo nhà phân tích chính trị Malaysia Joceline Tan, phe của ông Azmin nhận thức được rằng đại hội song song sẽ không được đảng công nhận nhưng họ muốn chứng tỏ rằng họ có sức mạnh, đặc biệt là ở cấp trung ương.

Quả thực, tại cuộc bầu cử PKR năm 2018, phe ông Azmin đã đại thắng, giành được 20 ghế Ủy viên Trung ương, trong đó có Phó Chủ tịch PKR kiêm Bộ trưởng Nhà ở và Chính phủ địa phương ông Zuraida Kamaruddin. Đây là một chính trị gia thẳng thắn, có ảnh hưởng lớn của PKR, nhất là đối với nữ giới. Trong khi đó, phe của ông Anwar chỉ giành được 10 ghế.

Gần đây, chuyện hai phe trong PKR đang đấu tranh với nhau quyết liệt đã trở thành một trong những tâm điểm của báo chí Malaysia. Có nhận định rằng phe ông Anwar đang dồn ép buộc ông Azmin phải tự ra đi.

Cũng có người cho rằng ông Azmin đang tìm cách buộc ông Anwar phải sa thải mình. Nhưng nếu ra đi, ông Azmin có thể sẽ mang theo khoảng 15 hạ nghị sỹ PKR ủng hộ mình và như vậy, PKR cũng mất vị trí đảng lớn nhất PH.

Còn đối với ông Anwar, trong PH dù tồn tại thỏa thuận chuyển giao quyền lực giữa ông Mahathir và ông Anwar, nhưng việc ông Anwar có đáp ứng được quy định và giành được ủng hộ quá bán tại Quốc hội hay không vẫn là một ẩn số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục