Theo trang mạng CNN/theweek.com/jpost.com, chưa rõ cụ thể bao nhiêu người, cả binh sỹ lẫn dân thường, đã thiệt mạng hoặc bị thương trong một cuộc tấn công liều chết tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 26/8 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đây không phải là điềm báo tốt cho nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Theo CNN, hai vụ nổ bom gây thương vong cho cả người Mỹ và dân thường Afghanistan bên ngoài sân bay Kabul đã làm rung chuyển giai đoạn cuối cùng của cuộc rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, khi nước này phải chạy đua với thời gian trước hạn chót 31/8 nhằm giải cứu 1.500 người Mỹ, trong khi số phận của những người Afghanistan chạy trốn đang từng giờ trở nên u ám hơn.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby viết trên Twitter rằng đã diễn ra một "cuộc tấn công phức tạp" gồm vụ nổ tại Cổng Abbey của sân bay Kabul và vụ nổ thứ hai xảy ra tại khách sạn Baron gần đó.
Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng giới chức đang lo ngại nguy cơ "về mối đe dọa rất cụ thể" liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan, vốn đã lên kế hoạch tấn công đám đông bên ngoài sân bay.
Những cơ hội mong manh
Các cuộc tấn công càng nhấn mạnh môi trường an ninh cực kỳ mong manh tại sân bay nơi hàng nghìn binh sỹ Mỹ và đồng minh đang nỗ lực sơ tán cả các công dân nước ngoài và người Afghanistan đã làm việc với đồng minh của họ trong suốt 20 năm chiến tranh.
Tổng thống Joe Biden đã ấn định thời hạn 31/8 để hoàn tất việc rút quân - một phần lý do bắt nguồn từ bối cảnh rất nguy hiểm mà quân đội Mỹ phải đối mặt tại Kabul.
Trước đó, theo giờ địa phương, các nhà ngoại giao Mỹ tại Kabul bất ngờ cảnh báo công dân Mỹ "ngay lập tức" rời khỏi một số cổng vào sân bay, với lý do là mối đe dọa an ninh. Câu hỏi đặt ra lúc này là các cuộc tấn công đã được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của chiến dịch sơ tán và rút quân như thế nào.
Một nguồn thạo tin nói với phóng viên CNN rằng đến sáng 26/8, ước tính có khoảng 150 công dân Mỹ ở Afghanistan cần được hỗ trợ để tới sân bay. Điều này đồng nghĩa với một cuộc chạy đua với thời gian để tìm và đón những người Mỹ còn lại muốn rời đi, cũng có thể có nghĩa là hàng nghìn phiên dịch viên người Afghanistan và những người khác có thể bị bỏ lại phía sau, trong thảm kịch cuối cùng khép lại cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.
Quân đội Mỹ đã ở trong một vị trí rất dễ bị tổn thương tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, mảnh đất cuối cùng tại Afghanistan mà họ kiểm soát. Mối đe dọa từ IS càng khiến tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. IS là kẻ thù không đội trời chung của Taliban và Mỹ, vì vậy chúng có mọi lý do để gây ra tình trạng hỗn loạn.
Nhiều nguồn tin cho biết những tù nhân trốn khỏi các nhà tù tại Afghanistan gia nhập hàng ngũ của IS, và có khả năng là cả những chiến binh cứng rắn từ Syria.
Theo jpost.com, vẫn chưa biết động cơ đằng sau vụ tấn công là gì. IS đã thực hiện nhiều vụ tấn công tàn bạo, kể cả tội diệt chủng, thảm sát và giết người hàng loạt. Tuy nhiên, nếu IS đứng đằng sau các cuộc tấn công này là IS thì mục tiêu có thể không mấy rõ ràng.
Vụ tấn công rõ ràng là nhằm giết càng nhiều người Mỹ càng tốt và liệu đích nhắm có phải là cổng vào sân bay và khách sạn, hay những người nước ngoài có thể đã ở trong khu vực này không? Có phải IS đang cố gắng tiếp cận gần hơn với lực lượng Mỹ?
Từ giữa tháng 8/2021, hơn 82.300 người đã được đưa đi khỏi Kabul, và trong khoảng thời gian 24 giờ đầy căng thẳng từ 24-25/8 khoảng 19.000 người đã rời đi trên 90 chuyến bay của Mỹ và liên quân.
Tuy nhiên, việc ngay cả công dân Mỹ dường như cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận sân bay có nghĩa hàng chục nghìn người Afghanistan đủ điều kiện tái định cư ở Mỹ và các quốc gia khác có thể đã mất đi cơ hội của mình.
Taliban tuyên bố sẽ ngăn công dân Afghanistan đến sân bay. Tuy nhiên, các quan chức ở Washington khẳng định họ sẽ làm mọi cách để sơ tán càng nhiều người Afghanistan trước hạn chót càng tốt.
Hiểm họa cho uy tín của nước Mỹ
Sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng quân đội Afghanistan và chính phủ dân cử tại quốc gia này trước cuộc tấn công của Taliban hồi mùa Hè này cho thấy những thành quả quá đỗi khiêm tốn của người Mỹ trong việc xây dựng một hệ thống mạnh mẽ và kiên cường tại đây suốt 20 năm qua.
Bên cạnh đó còn là thỏa thuận mà chính quyền ông Donald Trump đã đàm phán với Taliban để Mỹ rút quân về nước, ông Biden bị bỏ lại với triển vọng tuân thủ thỏa thuận hoặc từ bỏ và đối mặt với viễn cảnh Taliban leo thang các hoạt động bạo lực, đòi hỏi Mỹ phải tăng quân triển khai. Cá nhân Tổng thống Biden phản đối mọi kế hoạch gia tăng quân sự sự tại quốc gia Nam Á này và dư luận Mỹ cũng kiên quyết phản đối.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cử tri hài lòng với những diễn biến liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Afghanistan trong 2 tuần qua. Ủng hộ việc rút quân là một chuyện, song việc phải chứng kiến hình ảnh các tay súng Taliban ăn mừng chiến thắng trước sự ra đi của Mỹ - hay hàng nghìn người nháo nhào chạy trốn khỏi đất nước trong một cuộc tranh giành hỗn loạn và nguy hiểm tại sân bay Kabul, lại là chuyện khác.
Những hình ảnh này, cùng hàng loạt bài báo gay gắt chỉ trích cách chính quyền triển khai kế hoạch rút quân trên thực địa, là những nguyên nhân khiến sự ủng hộ đối với Tổng thống Biden sụt giảm nghiêm trọng trong tháng qua.
Và tất cả diễn ra trước vụ đánh bom ngày 26/8 tại Kabul.
Dù kẻ đánh bom là ai, Tổng thống Biden cũng là người nhận về những hậu quả chính trị không mấy tốt đẹp. Nước Mỹ trông yếu ớt, bối rối, và ở thế phòng thủ. Toàn bộ giới lãnh đạo an ninh quốc gia, kể cả các tướng lĩnh quân đội đều chỉ trích chính quyền.
Về phương diện chính trị, tính chất lưỡng đảng của những chỉ trích có ý nghĩa quyết định. Người ta đã quen với việc các thành viên trong đảng đứng về phe của tổng thống trong thời điểm hỗn loạn chính trị.
Nhưng đó không phải là những gì diễn ra trong vài tuần qua, khi nhiều thành viên đảng Dân chủ tại Đồi Capitol đã cùng các thành viên đảng Cộng hòa liên tiếng chỉ trích cách Tỏng thống Biden và các phụ tá xử lý các sự kiện ở Afghanistan. Mọi chuyện sẽ càng leo thang hơn khi đảng Dân chủ bắt đầu tìm cách sửa chữa những sai lầm với mục đích bảo vệ mình khỏi sự sụp đổ chính trị.
Tổng thống Biden đã tự giam mình vào mớ bòng bong Afghanistan, với rủi ro từ việc đưa quân Mỹ rời Afghanistan đúng vào dịp tưởng niệm 20 năm sự kiện 11/9. Vào thời điểm đó hàng năm, các phương tiện truyền thông thường chạy một loạt bài viết về những hồi tưởng gắn liền với ngày kinh hoàng đó, và giờ đây họ sẽ luôn nhìn nhận sự kiện này với những mối liên kết mới: cuộc tấn công dân sự tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ đã dẫn đến kết quả là một một cuộc rút lui điên cuồng dưới làn đạn của kẻ thù sau đó 20 năm.
Những điều này không đem lại bất cứ thứ gì tốt đẹp cho Tổng thống Biden, người có tỷ lệ ủng hộ chắc chắn không thể vượt quá mức 45% vào thời điểm kết thúc lễ kỷ niệm ngày 11/9. Thực tế việc huy động quân tại sân bay cũng đem lại cho ông Biden những không gian chính trị nhất định, sau sự sụp đổ chóng vánh của Afghanistan và quân đội nước này trái ngược hoàn toàn với các dự đoán trước đó của ông rằng Taliban sẽ không nhanh chóng chiếm quyền và buộc Mỹ phải ra đi trong vội vã.
Tổng thống Biden đã tuyên bố với người dân Mỹ rằng ông sẽ không gửi bất kỳ người con nào của nước Mỹ tới để chết ở Afghanistan. Và thực tế quân đội Mỹ không chủ động tìm kiếm những công dân Mỹ ở xa sân bay và trong lãnh thổ mà Taliban kiểm soát phản ánh thực tế là Nhà Trắng muốn hạn chế tối đa những rủi ro của chiến dịch sơ tán này.
Dù vậy, Washington rõ ràng cũng đang đứng bên bờ vực uy tín, trở thành “con tin” của những diễn biến tại cách xa lãnh thổ cả nửa vòng Trái Đất. Bất kỳ thương vong, hay các vụ tấn công khủng bố hoặc giao chiến với Taliban đều có thể bùng lên thành khủng hoảng đẩy Tổng thống Biden vào một thảm họa chính trị toàn diện, chưa kể đến những thiệt hại về con người và nỗi đau mà chúng để lại.
Cơn bão chính trị đang tới gần
Những người Afghanistan rời khỏi đất nước sẽ không được bay thẳng đến Mỹ. Nhiều người được đưa đến các trung tâm ở các nước thứ ba, trong đó có Qatar. Những người đã trải qua quá trình kiểm tra an ninh và kiểm tra sức khỏe đã bắt đầu đến Mỹ. Một cuộc thăm dò được CBS News công bố cuối tuần qua cho thấy 81% người Mỹ cho rằng chính phủ nên giúp những người Afghanistan từng làm việc với các quan chức, quân đội và cơ quan tình báo Mỹ có cơ hội đến Mỹ sinh sống.
Tuy nhiên, sự hiện diện của những người này đang đặt ra bài toán và nguy cơ nảy sinh cuộc chiến gay gắt về vấn đề nhập cư mà chính cựu Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa cực đoan khác đang tận dụng để phục vụ mục đích của mình.
Ông Trump nhấn mạnh trong một phát biểu hôm 24/8: “Chúng ta hãy tưởng tượng xem có bao nhiêu nghìn kẻ khủng bố đã được đưa ra khỏi Afghanistan và đến các khu vực lân cận trên khắp thế giới... Thật là một thất bại khủng khiếp. KHÔNG THỂ LÝ GIẢI NỔI. Joe Biden sẽ đưa bao nhiêu tên khủng bố tới Mỹ?"
Trên thực tế, một trong những lý do khiến tình hình trở nên hỗn loạn là do người Afghanistan đã phải chịu đựng những cuộc kiểm tra gắt gao để có được thị thực nhập cư đặc biệt vào Mỹ.
Cựu tổng thống không đơn độc bởi nhiều chính trị gia khác cũng đang tìm cách vũ khí hóa số lượng người đến từ Afghanistan để kích động các cử tri. Ứng cử viên Thượng viện Mỹ từ bang Ohio J.D. Vance, người đang tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri hậu thuẫn ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại đảng Cộng hòa, cũng đưa ra những phát biểu tương tự trong tuần này, làm dấy lên lo ngại vấn đề người nhập cư sẽ trở thành chủ đề nhức nhối của phe bảo thủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.
Tổng thống Biden sẽ phải tìm cách chống lại những toan tính hạ bệ kiểu này trong cuộc họp trực tuyến với các thống đốc lưỡng đảng, những người hiện tỏ ý sẵn sàng cung cấp quyền tị nạn cho các công dân Afghanistan được sơ tán khỏi Kabul./.