Chính trường Peru tiếp tục rúng động do bê bối Odebrecht

Cựu lãnh đạo chi nhánh tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht tại Peru khẳng định Odebrecht đã từng tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của ít nhất sáu chính trị gia hàng đầu tại Peru giai đoạn 2006-2013.
Chính trường Peru tiếp tục rúng động do bê bối Odebrecht ảnh 1Nữ Thượng nghị sỹ Keiko Fujimori. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 28/2, cựu lãnh đạo chi nhánh tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht tại Peru Jorge Barata khẳng định Odebrecht đã từng tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của ít nhất sáu chính trị gia hàng đầu tại Peru trong giai đoạn 2006-2013.

Trong số này đáng chú ý có nữ Thượng nghị sỹ quyền lực Keiko Fujimori - con gái của cựu tổng thống Alberto Fujimori và từng hai lần ứng cử tổng thống, hai cựu Tổng thống là Alejandro Toledo và Alan Garcia, cùng Tổng thống đương nhiệm Pedro Pablo Kuczynski.

Trả lời thẩm vấn của công tố viên José Domingo Pérez, ông Barata, Giám đốc chi nhánh Odebrecht tại Peru từ năm 2006-2012, cho biết Odebrecht đã đóng góp 300.000 USD cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Kuczynski trong năm 2011, và số tiền đó đã được chuyển cho doanh nhân Susana de la Puente, người được cho là thân cận với Tổng thống Kuczynski và hiện là Đại sứ của Peru tại Vương quốc Anh.

Cựu lãnh đạo Odebrecht cũng khai thêm đã tài trợ 1,2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Keiko Fujimori cũng trong năm 2011 thông qua hai thành viên đảng Sức mạnh nhân dân (FA), từng là bộ trưởng dưới thời cựu Tổng thống Alberto Fujimori.

Tương tự, ông Barata còn khai rằng trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Alejandro Toledo (cầm quyền nhiệm kỳ 2001-2006), công ty xây dựng Brazil đã tài trợ 600.000 USD, và 200.000 USD cho chiến dịch của cựu Tổng thống Alan Garcia (cầm quyền các nhiệm kỳ 1985-1999 và 2006-2011) trong cuộc bầu cử năm 2006.

[Tổng thống Peru Kuczynski bị triệu tập về liên quan vụ Odebrecht]

Tới nay, hầu hết các chính trị gia trên đều bác bỏ cáo buộc của ông Barata. Cùng ngày 28/2, trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Twitter, Tổng thống đương nhiệm Kuczynski khẳng định ông chưa bao giờ nhận tiền từ ông Barata hay Odebrecht, cũng như chưa từng nhận khoản tài trợ nào từ nguồn trên cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Trong khi đó, trả lời báo chí tại thủ đô Lima, bà Keiko bác cáo buộc nhận tiền từ tập đoàn Odebrecht, đồng thời yêu cầu các nhà chức trách ngừng các cuộc điều tra tội danh rửa tiền đối với bà. Nữ chính khách này được đánh giá là đối thủ chính của Tổng thống đương nhiệm Kuczynski trong cuộc bầu cử tổng thống các năm 2011 và 2016.

Trước đó, tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Kuczynski đã "thoát hiểm" trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Peru về việc luận tội ông liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ của tập đoàn Odebrecht. Hiện Quốc hội Peru do phe đối lập kiểm soát đang lên kế hoạch về một cuộc bỏ phiếu tương tự.

Chính trường Colombia cũng rúng động vì bê bối tham nhũng của Odebrecht. Cùng ngày, Tòa án Luật pháp tối cao đã tuyên 6 năm và 8 tháng tù giam đối với Thượng nghị sĩ Bernardo Miguel Elias, chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Colombia, do liên quan đến bê bối nhận hối lộ của tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh trên.

Theo cáo trạng, ông Elias, người thuộc đảng Đoàn xã hội và đoàn kết quốc gia cầm quyền đã bị kết tội nhận hối lộ từ Odebrecht nhằm giúp tập đoàn này thắng thầu các dự án xây dựng. Ngoài ông Elias, còn có bốn thượng nghị sỹ khác đang điều tra với cáo buộc trên.

Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối đình đám ở Brazil, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ từ tháng 3/2014. Tập đoàn khổng lồ này thừa nhận đã đưa hối lộ gần 790 triệu USD cho nhiều nhân vật tại hơn 12 quốc gia nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và ưu ái của giới chức những nước này trong các dự án xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.